Chị H.T.M. (30 tuổi, sống ở Hà Nội), hay mắc các bệnh về tai mũi họng. Thời gian gần đây khi thời tiết thay đổi nắng, mưa thất thường, chị bị ngạt mũi vào buổi sáng, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khi khám cho người bệnh, bác sĩ nhận được nhiều câu hỏi của bệnh nhân về tình trạng ngạt mũi khi thức dậy.
Theo nhiều nghiên cứu, ngạt mũi buổi sáng là dấu hiệu của bệnh viêm mũi. Khoảng 74% người ngạt mũi bị viêm mũi dị ứng liên quan nhiều tới các yếu tố dị nguyên ngay trên giường, phòng ngủ.
Ngoài ra, 26% người bệnh còn lại bị viêm mũi vận mạch do sự thay đổi của nhiệt độ, áp suất khí quyển, từ trường vào thời điểm buổi sáng do thần kinh giao cảm tác động lên cuốn mũi dưới khiến các mạch máu giãn, nở to, che lấp khe thở gây ngạt.
Khi bị ngạt mũi, người bệnh cần làm sạch phòng ngủ, giường ngủ bằng cách hút bụi phòng, giường, thay ga (chiếu), vỏ chăn, gối,... hàng ngày, sử dụng các thuốc chống dị ứng, kháng histamine H1.
Thuốc kháng histamine là thuốc ngăn phản ứng dị ứng, giúp hết triệu chứng. Các thuốc có thể dùng gồm promethazin, loratadin, fexofenadin,... tùy theo tình trạng và khả năng đáp ứng của cơ thể để lựa chọn.
Nếu đáp ứng tốt, người bệnh có thể duy trì thuốc 2-4 tuần. Tuy nhiên, thuốc kháng histamine có các tác dụng phụ như mệt mỏi, ngủ gà, khô miệng, táo bón,…
Người bệnh dùng thuốc có thể gặp phản ứng trên hệ tim mạch như rối loạn nhịp, nhịp nhanh trên hô hấp, ức chế hô hấp, khó ho khạc đờm, dễ nhiễm trùng tiến triển nặng. Vì thế, bệnh nhân phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho hay nhiều nghiên cứu chỉ ra các dị ứng thường biểu hiện thành bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng. Bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp (một liều thuốc nhỏ chứa chất gây dị ứng được đưa vào cơ thể bằng kim tiêm).
Phương pháp trên chỉ sử dụng khi cơ thể không đáp ứng với các thuốc kháng histamine hoặc xuất hiện tình trạng quen thuốc.
Bác sĩ sẽ kiểm tra các dị nguyên để tìm thuốc phù hợp, có nồng độ loãng dần dạng tiêm trong 2-5 năm. Nếu người bệnh bị viêm mũi vận mạch, có thể dùng thuốc điều trị tình trạng vận mạch.