Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM, hướng dẫn những cách phòng bệnh mùa lạnh khá đơn giản từ việc ăn uống, sinh hoạt.
- Giữ ấm cơ thể: khi đi ra ngoài vào buổi sáng, tối cần mặc đủ ấm. Đặc biệt, không để quạt và máy lạnh thổi trực tiếp vào mặt, sau gáy. Khi thấy nổi da gà, là dấu hiệu khí lạnh đang tấn công cơ thể. Tiếp đến, khí lạnh tấn công vào các tạng phế, gây khô mũi, khô họng, gây ho kèm theo đờm, hoặc đau thốn đầu từng cơn.
Hàn tà còn gây co rút, bế tắc khiến bạn bị chứng lạnh gáy, co cứng cơ, đau vai gáy, đau lưng, dễ bị chuột rút.
Nguy cơ bị liệt mặt trong mùa lạnh rất cao. Vì vậy, một trong những cách phòng bệnh này là giữ ấm, làm nóng cơ thể trước khi đi ngủ. Cụ thể: mặc đồ đủ ấm, thoa dầu tràm, khuynh diệp vào gan bàn chân, hõm cổ, lưng… để cơ thể được ấm, không bị âm khí xâm nhập.
- Không tắm gội ban đêm: nhiều người đang khỏe, bỗng dưng sáng dậy đau đầu. Thủ phạm là do tắm gội muộn, lại ngồi trước quạt hong tóc cho mau khô, khí lạnh rất dễ xâm nhập, gây cảm cúm, đau đầu…
-Tránh gió lùa, mở cửa sổ khi ngủ: nhiều người thường mở cửa sổ trong lúc ngủ để đón gió mát, nhưng nguy cơ gió lạnh gây liệt nửa mặt rất cao.
- Hạn chế ăn lạnh, uống lạnh: trời lạnh lại thêm thức ăn lạnh thì khí lạnh “nội công ngoại kích” dễ làm cơ thể suy yếu, nhiễm bệnh. Ngoài ra, khí lạnh còn khiến hệ tiêu hóa hoạt động kém, dễ bị đau bụng, đầy bụng, đi tiêu lỏng, tay chân lạnh, nôn mửa… Vì vậy, nên ăn thức ăn chín, ấm, nóng.
- Dùng thực phẩm phòng chống lạnh: gừng được xem là bài thuốc dễ thực hiện và hiệu nghiệm phòng chống lạnh, trừ bệnh cảm cúm, long đờm… Gừng giúp giữ ấm cơ thể, chống viêm, giảm đau, chống nôn, chống co thắt cơ trơn...
Để phòng nhiễm lạnh, mỗi sáng xắt khoảng ba lát gừng ngâm trong nước sôi rồi pha với mật ong uống liên tục 1-2 tuần. Sau đó ngưng vài ngày mới uống tiếp.
Thể trạng người bệnh, theo Đông y được chia ba nhóm: nóng (nhiệt), lạnh (hàn) và trung gian (không nóng không lạnh). Người thuộc nhóm nóng, không nên dùng gừng liều cao và chỉ nên dùng gừng tươi.
Gừng tươi có tính ấm, không có tính nóng như nhiều người lầm tưởng. Sử dụng gừng liều an toàn là 2-3g/ngày. Lưu ý, gừng tươi có tính ấm, vị cay, còn gừng khô có tính nóng.
Ngoài ra, còn các loại rau có tính ấm, tốt cho sức khỏe trong mùa lạnh như kinh giới, tía tô, bạc hà, rau răm…