Ở điều kiện sinh lý bình thường, khi ta hít vào, không khí từ ngoài đi qua mũi hoặc miệng, xuống họng, vào đường thở lớn gọi là khí quản rồi đi vào các nhánh nằm trong hai lá phổi, các nhánh này gọi là phế quản.
Khi ta tiếp xúc với các yếu tố gây cơn hen, đường thở bị viêm, niêm mạc đường thở bị phù nề và tăng tiết dịch nhầy làm bít tắc lòng phế quản, dẫn đến các dải cơ quấn quanh phế quản co thắt lại làm cho lòng phế quản hẹp lại, gây cản trở lưu thông của dòng khí thở vào và thở ra. Điều này gây nên các triệu chứng của cơn hen với các biểu hiện khó thở, nghe có tiếng rít, tiếng khò khè trong lồng ngực.
Về nguyên nhân, các nhà khoa học ghi nhận suyễn có liên quan mật thiết đến tình trạng dị ứng từ các phấn hoa, lông thú, bụi nhà, thuốc men, nhiễm trùng đường hô hấp, do thay đổi nhiệt độ theo mùa, do khói từ thuốc lá hoặc bếp củi hay lò sưởi, chất bảo quản thực phẩm và phụ gia, chất tạo màu, do cơ địa dị ứng với một số chất đạm từ thức ăn như: tôm cua, cá biển, nước mắm…
Gần đây, các nhà khoa học ở Mỹ ghi nhận việc dùng bừa bãi hoặc quá liều các vitamin tổng hợp, nhất là vitamin nhóm B đã làm tăng dị ứng mắc hen suyễn ở trẻ em.
Về triệu chứng, có một số trẻ bị bệnh nhẹ và thoáng qua; một số trẻ bị liên tục, xảy ra một lần trong ngày; với các biểu hiện như: thở khò khè, ho, khó thở, tức ngực và đôi khi có đờm trong cổ họng.
Về phòng bệnh, hen suyễn là bệnh mãn tính đường hô hấp, để lại nhiều di chứng cho trẻ em, cho nên phòng bệnh là việc làm không thể thiếu cho mỗi gia đình.
Trước hết, ta cần tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng như: không để cho trẻ tiếp xúc với các loại hoa kiểng trang trí trong nhà, tránh khói bụi do nấu nướng, đốt nhang khói trong thờ cúng ông bà.
Không nuôi chó mèo hoặc các loại vật nuôi có lông khác vì trẻ dễ hít phải các loại lông thú cũng phát sinh cơn hen. Không cắm hoa trong phòng ngủ của trẻ bị hen.
Không để trẻ chơi ở những nơi có nhiều hoa như công viên; không để những chất nặng mùi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng; duy trì không khí sạch và trong lành, mở rộng cửa sổ khi trời nóng ngột ngạt, khi có khói bếp hoặc trong phòng có mùi khó chịu; đóng cửa sổ nếu không khí bên ngoài nhiều khói xe, khói nhà máy, bụi phấn hoa.
Chỗ ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng, cần phơi nắng chăn, gối, nệm thường xuyên, để đảm bảo không bị ẩm ướt để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc; không cho thú vật lên giường hoặc vào nơi trẻ ngủ.
Vấn đề ăn uống, bé bị hen suyễn không nên ăn nhiều bánh kẹo, nhất là những loại có các chất hóa học để tăng mùi thơm cũng như các đồ uống, nước ngọt có đường hóa học, chất bảo quản; tránh các loại thức ăn mà trẻ dễ bị dị ứng như: tôm cua bò gà, bột ngọt, đồ hộp, lòng trắng trứng.
Với trẻ còn bú, cần cho trẻ bú sữa mẹ để tận dụng tốt nguồn kháng thể từ mẹ, đề phòng mọi bệnh tật trong đó có hen suyễn. Theo các nhà khoa học, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu sau khi sinh sẽ tránh được bệnh hen suyễn trong 4 - 6 năm đầu của cuộc đời.
Với trẻ lớn hơn, cần tập cho trẻ có thói quen ăn nhiều hoa quả, đặc biệt là táo, rau tươi vì có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C sẽ có lợi về nhiều mặt trong đó có phòng và chữa hen. Cần bổ sung chế độ ăn nhiều cá, dùng dầu cá có nhiều axít béo omega-3 và không no có tác dụng làm giảm bớt các phản ứng viêm và có tác dụng tích cực trong việc phòng và chữa hen phế quản.
Về sử dụng thuốc, với trẻ bị hen suyễn thì thuộc cơ địa dị ứng nên rất dễ dị ứng thuốc nhất là kháng sinh, nên khi sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ. Điều hết sức lưu ý là khi bé khám bệnh cần khai báo với bác sĩ là trẻ bị hen suyễn để bác sĩ cân nhắc khi sử dụng thuốc cho trẻ, chọn thuốc thuộc nhóm ít gây dị ứng nhất cho bé.
Một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học Mỹ ghi nhận việc dùng bừa bãi hoặc quá liều các vitamin tổng hợp, nhất là vitamin nhóm B đã làm tăng dị ứng hóa và khả năng mắc hen suyễn ở trẻ em. Khi tắm cho trẻ bị hen suyễn cần tắm nơi không có gió lùa, tắm nước ấm, tắm nhanh, lau khô ngay vì để lạnh đột ngột cũng là nguy cơ xuất hiện cơn hen cho trẻ.