Hàng loạt nghiên cứu gần đây cho thấy thói quen ăn uống có hại nhất đối với trí nhớ là Chế độ ăn uống Tiêu chuẩn của Mỹ, với đặc trưng là thực phẩm giàu calo, chất béo và ít giá trị dinh dưỡng chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều nghiên cứu trong số đó chứng minh chế độ ăn uống không lành mạnh và béo phì sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer, theo Eat This.
Dầu thực vật
Axit béo omega-3 là một thành phần của não, nhưng một axit béo khác không tốt cho não. Đó là omega-6, thành phần phổ biến trong các loại dầu ăn như dầu đậu nành và dầu hướng dương (thành phần phổ biến của nhiều thực phẩm chế biến) và trong ngô, đậu nành, thịt và trứng.
Nhiều chuyên gia tin rằng chế độ ăn điển hình của phương Tây chứa nhiều omega-6 hơn omega-3 và sự chênh lệch ấy không tốt cho não. Một đánh giá về 14 nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng về Lão khoa cho thấy sự gia tăng tỷ lệ giữa axit béo omega-6 và omega-3 có thể làm teo hồi hải mã và gây suy giảm nhận thức ở tuổi già.
Uống rượu thường xuyên
Ngay cả khi bạn uống một lượng rượu vừa phải, não cũng có thể tổn thương. Một nghiên cứu trên tạp chí Stroke của các nhà nghiên cứu tại khoa dịch tễ học của Đại học Johns Hopkins chỉ ra rằng việc uống một ly mỗi ngày có thể dẫn đến teo não. Một nghiên cứu khác trên tạp chí PLOS Medicine cho thấy uống nhiều hơn 7 ly mỗi tuần dẫn đến tăng lượng sắt trong não - yếu tố dẫn đến các vấn đề về nhận thức.
Thực phẩm chế biến sẵn
Một thí nghiệm trên chuột gần đây đã phát hiện tình trạng của não với chế độ ăn nhiều carbohydrate tinh chế. Các nhà khoa học của Đại học Ohio đã cho một nhóm chuột già ăn nhiều thực phẩm chế biến giàu carbonhydrate như khoai tây chiên. Sau 4 tuần, các nhà nghiên cứu phát hiện những con chuột có dấu hiệu giảm trí nhớ cũng như các dấu hiệu tăng viêm ở vùng hải mã và hạch hạnh nhân trong não của chúng - 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng với trí nhớ.
Ruth Barrientos, nhà nghiên cứu của Đại học Ohio và là thành viên của nhóm nghiên cứu, phát biểu: "Những phát hiện này chỉ ra rằng việc ăn thực phẩm chế biến sẵn có thể gây ra sự suy giảm trí nhớ đáng kể và đột ngột. Ở người già, suy giảm trí nhớ nhanh chóng có nhiều khả năng tiến triển thành các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer".
Khẩu phần nhiều đường
Chất béo bão hòa (tồn tại trong bơ, pho mát, thịt, sữa nguyên chất béo) - và chất béo chuyển hóa (tồn tại trong thực phẩm chiên và nướng), có thể làm giảm khối lượng não và gây chứng mất trí nhớ, theo một đánh giá trên tạp chí Neurobiology of Aging.
Một vấn đề khác liên quan tới hàm lượng đường trong khẩu phần. Giới khoa học đã chỉ ra rằng người theo chế độ ăn nhiều carbohydrate có đường sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 cao hơn những người khác. Có lẽ ít người biết rằng lượng đường trong máu cao cũng có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ và các vấn đề nhận thức khác. Trên thực tế, một số bác sĩ và nhà nghiên cứu đã gọi bệnh Alzheimer là "tiểu đường loại 3".