Cà chua rẻ, lại giúp giảm mỡ máu, phòng ung thư
Thời điểm gần đây, tại Hà Nội, một số loại rau củ quả đang có giá khá rẻ, trong đó có cà chua. Trước Tết, tại một số chợ dân sinh, giá cà chua rơi vào khoảng 12.000-15.000 đồng/kg (giá tham khảo) nhưng những ngày gần đây, giá cà chua đã giảm, ghi nhận tại chợ Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), giá cà chua hiện là 6.000 đồng/kg, tại một chợ dân sinh trên phố Nguyễn Quý Đức, giá 1 kg cà chua vào khoảng 10.000 đồng.
Vài ngày nay, người dân Hà Nội cũng đang tích cực đi mua các loại rau củ quả để ủng hộ người dân Hải Dương. Những loại rau củ quả này hiện đang được bán với giá rất rẻ, điển hình như cà chua với giá chỉ vài nghìn đồng/kg. Tại một siêu thị ở Hà Nội, quầy giải cứu nông sản của Hải Dương đang bán cà chua với giá 4.900 đồng/kg.
Trong đời sống ẩm thực, cà chua được chế biến thành rất nhiều món ăn nhưng ít người biết rằng đây còn là loại quả có tác dụng rất tốt cho sức khỏe.
Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cà chua có xuất xứ từ Nam Mỹ nhưng xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo y học cổ truyền, quả cà chua có vị chua, ngọt, nhạt, tính mát. Về giá trị dinh dưỡng, hàm lượng chiếm tỷ lệ cao nhất trong cà chua là nước với 95%, 5% còn lại chủ yếu bao gồm carbohydrate và chất xơ. Trong 100 gam cà chua sống bao gồm thành phần dinh dưỡng sau: 18 kcal, 0,9 gam đạm, 3,9 gam carb, 2,6 gam đường, 1,2 gam chất xơ, 0,2 gam chất béo...
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, cà chua khi sử dụng (dưới hình thức nấu hoặc dạng dung dịch nước ép) có tác dụng bổ huyết sinh tân dịch, giúp tiêu hoá, điều hòa bài tiết.
“Cà chua rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn không ngon miệng, xung huyết, xơ cứng động mạch, đau khớp, thống phong, tăng huyết cao… Khi sử dụng, nếu biết nguồn gốc xuất xứ, dùng cà chua ăn sống (khi đã chín cây) hoặc ép lấy dung dịch uống sẽ tốt hơn nấu chín, đặc biệt là với người bị mỡ máu”, lương y Bùi Hồng Minh cho hay.
Do có tính mát nên khi sử dụng hàng ngày, cà chua tốt cho người bị táo bón. Ngoài ra các vitamin và khoáng chất có tính oxy hóa trong cà chua giúp làm trẻ hóa tế bào giúp ngăn ngừa ung thư. Dù cà chua ít được mọi người sử dụng làm thuốc, nhưng nó là thực phẩm giúp phòng bệnh rất hiệu quả.
“Trong cà chua có chất lycopene rất tốt cho cơ thể, đây là chất chống oxy hóa, giúp cơ thể chống lại nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư. Đặc biệt, chất lycopene là loại chất cơ thể không tự tạo ra được mà chỉ bổ sung qua đường ăn uống”, lương y Hồng Minh cho hay.
Lưu ý cần ghi nhớ khi ăn cà chua
Không ăn hạt: Một thói quen nhiều người sử dụng cà chua gặp phải đó là ăn cà chua cả hạt, đây là điều không nên. Hạt cà chua khi vào cơ thể sẽ khó tiêu hóa, thậm chí không thể phân hủy, vì thế nếu sử dụng hạt cà chua dù không gây độc, nhưng sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa các chất và ảnh hưởng đến chức năng của dạ dày và đường ruột, nhất là trẻ nhỏ.
Không dùng quá nhiều: Dù có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể, tuy nhiên vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, mọi người nên sử dụng cà chua một cách hợp lý, bởi cũng giống như bất kỳ loại thực phẩm nào khác, nếu sử dụng quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe.
Không dùng khi đói: Theo đó, không nên sử dụng cà chua khi đang đói, nhất là việc ăn sống cà chua. Bởi chất pectin và nhựa phenolic chứa nhiều trong cà chua, nếu ăn khi đói chất này sẽ phản ứng với axit có trong dạ dày, làm ảnh hưởng không tốt đến dạ dày. Thậm chí, còn gây nên tình trạng đau bụng, buồn nôn.
Không để ngoài quá lâu sau khi nấu chín: Do cà chua có vị chua, tính mát nên khi chế biến, nấu đến đâu dùng hết đến đó, bởi khi đã nấu chín để trong thời gian dài ngoài việc mất giá trị dinh dưỡng, hương vị thì còn dễ bị thiu, hỏng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đối với các loại tương cà, nên dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, bảo quản theo hướng dẫn đã được ghi trên bao bì sản phẩm.
Không ăn cà chua xanh: Một vấn đề cũng cần hết sức lưu ý, đó là không nên ăn cà chua khi còn xanh, bởi cà chua xanh có chứa nhiều hàm lượng alkaloid. Đây là một có thể gây ngộ độc.
Dưới đây là một số bài thuốc từ quả cà chua được lương y Bùi Hồng Minh gợi ý:
- Người có huyết áp cao, đau khớp… dùng nước ép cà chua hoặc ăn cà chua sống liều dùng 200-300g.
- Chữa viêm loét dạ dày: Cà chua và khoai tây ép nước, mỗi ngày dùng 150ml uống vào buổi sáng và tối hằng ngày.
- Chữa táo bón: Cà chua gọt vỏ trộn với mật ong, ăn ngày 2-3 lần, mỗi lần 1-2 quả.
- Chữa sốt cao kèm theo khát nước: Cà chua 200g thái lát, sắc nước uống thay trà trong ngày, uống lạnh hay nóng đều được.
- Tốt cho người đái tháo đường, giúp giảm cân: Cà chua 150g, dứa 150g, nước ép chanh 15ml. Cà chua và dứa rửa sạch, nên ngâm trong nước muối loãng khoảng 10 phút. Sau đó ép cà chua và dứa lấy nước rồi hòa với nước ép chanh. Chia uống vài lần trong ngày. Loại nước ép này giúp cơ thể giảm cân, phòng và chữa bệnh đái tháo đường.
- Chống chảy máu chân răng, nhiệt miệng: Cà chua 200g, mía 150g. Cà chua rửa sạch, thái miếng. Mía róc vỏ, chặt nhỏ. Sau đó ép chung lấy nước, chia uống vài lần trong ngày. Loại thức uống này có tác dụng kích thích tiêu hoá, phòng chống tình trạng miệng khô, nhiệt miệng, trúng nắng, chảy máu chân răng…
- Chữa chấy: Cà chua vắt nước sát vào chân tóc giúp hết chấy.
- Chữa vết đốt sâu bọ: Lá cà chua sát vào nơi bị công trùng đốt.
- Chữa mụn nhọt lở loét: Lá cây cà chua rửa sạch, giã nát, thêm vài hạt muối, đắp lên nơi tổn thương.