Khi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ đã phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp nhưng sau vài ngày điều trị, tình trạng và ý thức của bệnh nhân vẫn chưa được cải thiện.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc - cho hay thời điểm này trung tâm đang cấp cứu và điều trị cho gần 10 bệnh nhân vào viện do ngộ độc rượu.
Ngoài người phụ nữ trên, tất cả bệnh nhân còn lại đều là nam và đều đang trong tình trạng nặng, trong đó có một trường hợp bị sảng rượu, chân tay luôn bị giật và miệng nói liên tục những lời vô thức.
Bác sĩ Nguyên cũng cảnh báo trong những ngày tết sắp tới số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu có thể còn tăng.
Về tác hại của lạm dụng rượu bia, theo bác sĩ Nguyên, người dân cho rằng uống rượu xịn và uống bia không hại gan, nhưng thực tế bia rượu "xịn" vẫn là gánh nặng cho gan.
"Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất gây hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng và tăng nguy cơ tử vong" - bác sĩ Nguyên cho hay.
Bác sĩ Hoàng Nam - khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai - cho biết người nhập viện liên quan đến rượu bia ở thời điểm trước và sau tết thường gặp các triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, men gan tăng, viêm gan, xơ gan, viêm tụy…
Cá biệt có bệnh nhân đã vào viện 9 - 13 lần đều liên quan đến rượu.
"Rượu là tác nhân hàng đầu gây viêm gan (biểu hiện là tăng men gan), gan nhiễm mỡ lâu ngày dẫn đến xơ gan, biến chứng là hôn mê gan… Không có loại rượu nào là "rượu bổ", mà đã là rượu thì đều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt nguy hại cho chức năng gan.
Mỗi ngày mỗi người chỉ nên dùng 1-2 chén rượu nhỏ, tương đương 1-2 cốc bia, không lạm dụng và ỷ vào các thuốc giải rượu bia chưa được chứng minh rõ về tác dụng" - bác sĩ Nam nói.
Bác sĩ Nam cũng đề nghị những người thường phải uống rượu bia, hay đi "tiếp khách" nên khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra chức năng gan.