Chị Trương Thị Đường (SN 1998, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) là con gái của ông Trương Văn Đại và bà Trương Thị Sinh. Gia đình ông Đại thuộc diện khó khăn của xóm Kẻo. Tốt nghiệp cấp 3, chị Đường đi làm công nhân ở Bắc Ninh rồi gặp và yêu anh Đỗ Đình Đăng (SN 1994 ở Bắc Giang). Đầu năm 2017, đôi trẻ quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân.
Khi mang thai, chị Đường xin nghỉ việc về nhà ngoại để an thai và chuẩn bị cho ngày vượt cạn. Khi con gái Đỗ Ngọc Hoa vừa cất tiếng khóc chào đời, chị Đường rơi vào hôn mê sâu, tím tái. Chị được chuyển lên tuyến trên cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì bị nhiễm khuẩn đường máu và tắc mạch máu não.
Anh Đăng cho biết, 2 ngày trước khi sinh, chị Đường bị sốt. Ban đầu là sốt nhẹ nhưng sang ngày thứ hai chị Đường sốt cao nên anh đưa vợ lên bệnh viện Đa khoa huyện Tân Kỳ theo dõi. Vừa lên bệnh viện thì chị Đường có dấu hiệu chuyển dạ và được đưa vào phòng đẻ. Không ngờ vừa sinh con ra, chị Đường đã rơi vào hôn mê sâu, tính mạng bị đe dọa phải chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Sau hơn 2 tháng, chị Đường được trả về nhà trong tình trạng sức khỏe yếu, không còn cách chữa trị. “Nó cứ nằm bất động như vậy từ ngày sinh con, mắt có mở nhưng chẳng ý thức được gì. Con bé chưa một lần được bú mẹ, nằm cạnh mẹ mà chẳng được ôm ấp, vỗ về”, bà Sinh nghẹn ngào cho biết.
Anh Đăng ngồi lặng lẽ bên người vợ trẻ, đau đớn xót xa mà chẳng thể làm được gì. Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ trọn vẹn hơn khi hai vợ chồng có con gái đầu lòng, không ngờ số phận lại khắc nghiệt khiến người mẹ trẻ phải sống cuộc sống thực vật không biết bao giờ tỉnh lại.
“Con gái tôi còn nhỏ thế kia, cần có mẹ thương yêu, chăm sóc. Em ơi hãy tỉnh lại đi, con chúng ta đang lớn từng ngày. Em phải sống để còn chăm con chứ”, nói rồi những giọt nước mặt mặn chát cứ lăn dài trên khuôn mặt người đàn ông trẻ tuổi.
Từ ngày sinh ra, bé Ngọc Hoa chưa một lần được ôm bầu sữa mẹ. Bé được nuôi hoàn toàn bằng sữa công thức và bột gạo. Hiện tại bé đã được 5 kg, ngoan ngoãn và khỏe mạnh.
Ông Đại cho biết, thời điểm chị Đường điều trị tại bệnh viện, chi phí mỗi ngày lên đến 4 triệu đồng, số tiền quá lớn đối với gia đình nông dân nghèo như ông. Để chạy chữa cho con gái, gia đình ông đã vay mượn trên 200 triệu đồng, trong đó gần 100 triệu phải thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng. Số còn lại vay mượn anh em hai bên nội ngoại và bạn bè.
Anh Đăng không có việc làm ổn định, lúc đi phụ hồ, khi xin đi phụ khoan giếng. Từ ngày vợ gặp nạn, anh chạy đôn chạy đáo chăm sóc vợ, rồi lo vay mượn thêm tiền chữa trị nên chẳng làm được bất cứ việc gì. Anh càng đau đớn hơn khi hàng ngày chứng kiến người vợ nằm bất động, thường xuyên lên cơn co giật.
“Vợ tôi bị bệnh viện trả về vì đã hết cách cứu chữa. Từ hôm về nhà, sức khỏe cô ấy có chiều hướng yếu hơn, mỗi lần sốt lại lên cơn co giật, phải thở bằng bình ô xi. Chi phí điều trị tại nhà mỗi ngày gần 1 triệu đồng. Sắp tới tôi phải nhờ ông bà ngoại chăm sóc mẹ con để tôi đi làm kiếm tiền trang trải chi phí thuốc men và mua sữa cho con”, anh Đăng cho biết.
Tiền mua sữa cho bé Ngọc Hoa là do người quen, láng giềng đến cho mỗi người một ít. Lúc thiếu sữa, bà Sinh phải cho cháu ăn bột gạo vì không có tiền mua sữa.
Ông Trương Văn Lành, xóm trưởng xóm Kẻo cho biết: "Gia đình ông Đại rất khó khăn, đặc biệt từ lúc con gái bị bệnh đến nay thì kinh tế kiệt quệ. Có con trâu là tài sản lớn nhất cũng đã bán để trang trải viện phí cho Đường nhưng vẫn phải vay mượn khắp nơi với số tiền trên 200 triệu đồng".
Mọi đóng góp giúp đỡ xin vui lòng gửi về:
Ông Trương Văn Đại, xóm Kẻo, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Tài khoản anh Đỗ Đình Đăng, số: 2600205279944, Ngân hàng Agribank chi nhánh TP. Bắc Ninh.