Lẩu giấy
Là giấy nhưng lại gói được nước, chịu được lửa, món lẩu giấy này xuất hiện ở nhiều nhà hàng Nhật tại Hà Nội và Sài Gòn, khiến nhiều người vô cùng thích thú. Một tờ giấy mỏng manh màu trắng được đặt trên bếp, bên trong để nước cùng một số đồ ăn như thịt bò, tôm, mực, gà, nấm, rau… rồi đun trực tiếp mà không hề bị cháy hay thấm nước.
Các loại nước dùng trong lẩu giấy thường có vị nhạt, thanh và trong vắt như miso, shabu…
Bí mật của sự kỳ diệu này nằm ở loại giấy được gọi là “washi”, có nguồn gốc từ Nhật Bản ở thời Edo (1600-1868). Ngoài việc giúp món lẩu trông tao nhã, việc dùng giấy gói nước lẩu cũng giúp giữ được hương vị chính xác của món ăn, không bị lẫn vị đắng hay kiềm từ các loại nồi kim loại thông thường.
Điểm trừ của lẩu giấy đó là giá cả thường giá đắt đỏ, khoảng từ 500 – 1 triệu đồng/nồi
Lẩu xông hơi (lẩu khô)
Có hình thức nhìn thoáng qua giống như đang… ăn đồ nướng nhưng thực ra, loại lẩu xông hơi này lại là một kiểu ăn mới đang được rất nhiều người yêu thích. Những món thực phẩm tươi ngon từ thịt bò, cá, tôm, cho đến nấm, rau… được đặt trên vỉ, đậy nắp để hấp chín bằng hơi.
Bên dưới vỉ có một nồi gạo con, sẽ lấy chính nước hấp từ những thực phẩm bên trên rơi xuống để ninh như thành cháo, vô cùng dinh dưỡng và đậm đà.
Cách ăn này không chỉ giúp thực khách cảm nhận rõ vị ngọt tự nhiên tinh khiết của từng loại thực phẩm mà đồng thời còn giải ngán rất hiệu quả giữa “ma trận" lẩu nướng đầy dầu mỡ hiện tại.
Một ưu điểm nữa của loại lẩu này, đó chính là vì thực phẩm sẽ được hấp, không tẩm ướp, không lẫn lộn mùi vị như trong một nồi lẩu nước thông thường nên các quán ăn sẽ phải lựa chọn loại thực phẩm tươi ngon nhất.
Ở Hà Nội và Sài Gòn bắt đầu có rất nhiều quán ăn kinh doanh loại lẩu xông hơi độc đáo này, tập trung chủ yếu ở các phố Lò Đúc, Giảng Võ (Hà Nội) và các trung tâm thương mại quận 1, quận 7 (TP HCM).
Lẩu nướng 2 trong 1
Việc ăn lẩu kèm nướng tưởng chừng như quá bình thường vì rất nhiều nhà hàng hiện nay vừa bán lẩu lại kèm cả đồ nướng. Tuy nhiên, bạn sẽ phải ăn lần lượt từng hình thức một. Còn kiểu ăn vừa nướng, vừa lẩu cùng một lúc này thì chắc chắn chưa nhiều người được dịp thưởng thức.
Món lẩu này đặc biệt ngay từ loại nồi chuyên dụng từ Thái Lan. Làm từ kim loại, những chiếc nồi này có phần đáy nhô cao để nướng, rãnh tròn xung quanh để đổ nước làm lẩu. Với cách kết hợp này, thực khách không phải đợi lâu, có thể nướng trong lúc chờ nước lẩu sôi, thưởng thức các loại thực phẩm với 2 cách ăn cùng một lúc.
Lẩu nướng 2 trong 1 kiểu Thái mới phổ biến ở các quán ăn khu Nguyễn Tri Phương quận 5, HCM.
Lẩu hoa quả
Vẫn với các loại đồ nhúng từ thịt bò, gà, tôm, mực, ngô, nấm và các loại rau nhưng điểm đặc biệt của lẩu này là nước lẩu được ép từ các loại hoa quả như chanh leo, lê, táo, dứa... nên có vị ngọt thơm và rất thanh, chua nhẹ không hề ngấy, đặc biệt được chị em phụ nữ yêu thích.
Lẩu hoa quả thường được phục vụ thành những nồi nhỏ, mỗi người một nồi chứ không ăn chung, giá cả chỉ từ 90-150 nghìn và được bán tại một số hàng lẩu trên phố Núi Trúc, Quang Trung (Hà Nội).
Lẩu bung
Lẩu bung là “phiên bản” mở rộng của bún bung – một món ăn sáng dân dã được rất nhiều người Hà Nội yêu thích. Cũng với thứ nước được dùng để chan bún: làm từ xương hầm, dọc mùng, mỡ nước, mẻ chua hoặc sấu xanh, nghệ vàng cùng gia vị mắm muối… giờ đây được các quán cho vào nồi to, đun lên.
Nguyên liệu ăn kèm lẩu bung cũng vô cùng phong phú: sườn lợn, thịt chân giò, mọc thịt mộc nhĩ nấm hương, mọc giò, lưỡi, tim lợn, dọc mùng, hoa chuối. Món bún nay chuyển thể thành lẩu, tưởng không hợp mà hợp không tưởng.
Lẩu bung được bán tại một số quán ăn ở khu Nhà Chung, Ô Quan Chưởng (Hà Nội) với giá khoảng 250 – 300 nghìn/nồi.
Món bún nay chuyển thể thành lẩu, tưởng không hợp mà hợp không tưởng.
Lẩu bung được bán tại một số quán ăn ở khu Nhà Chung, Ô Quan Chưởng (Hà Nội) với giá khoảng 250 – 300 nghìn/nồi.