Bác sĩ Nguyễn Văn Hiểu, Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, thai phụ được đưa vào viện sáng 11/5 trong tình trạng cấp cứu đã có choáng, vật vã sau các biểu hiện đau bụng, buồn nôn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân mang thai được 7 – 8 tuần và vẫn theo dõi thai ở phòng khám. Thời điểm trước khi có các dấu hiệu choáng, vật vã, đau bụng, buồn nôn, bệnh nhân siêu âm thai có tim thai.
Khi đưa vào BV Đa khoa Đức Giang trong tình trạng cấp cứu, huyết áp không ổn định, bệnh nhân nhanh chóng được khám, cấp cứu.
Tại thời điểm nhập viện, ngoài các dấu hiệu trên, bệnh nhân bụng chướng, gõ đục vùng thấp, có phản ứng thành bụng, âm đạo không ra máu, tử cung to bằng thai 2 tháng, di động, cùng đồ đầy, ấn đau, phần phụ 2 bên khó xác định.
Bệnh nhân nhanh chóng được chỉ định siêu âm và làm các xét nghiệm liên quan. Kết quả siêu âm có hình ảnh túi thai, có phôi thai 11mm tuy nhiên không thấy tim thai. Người bệnh được chẩn đoán "hội chứng chảy máu trong ổ bụng", cần phải được mổ cấp cứu, tìm nguyên nhân và cầm máu. Vì nếu không kịp can thiệp, tình trạng mất máu nặng có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
BS Hiểu cho biết, ngay khi chẩn đoán hội chứng chảy máu trong ổ bụng, bệnh nhân được chuyển lên khoa Gây mê hồi sức để tiền hành phẫu thuật cấp cứu. Sau 1 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.
“Khi mở bụng thì thấy đây là một trường hợp cháy máu dữ dội do thủng tử cung, túi ối lồi ra ở đáy tử cung. Vì người bệnh chưa có con, nên các bác sĩ đã chỉ định lấy khối thai, khâu tử cung cầm máu, bảo tồn tử cung”, BS Hiểu nói.
Được biết đây là lần mang thai thứ 3 của bệnh nhân. Ở lần mang thai đầu tiên, bệnh nhân sinh non con 7 tháng , sau đẻ chảy máu mổ thắt động mạch tử cung 2 bên; 1 lần thai lưu 8 tuần và lần mang thai thứ 3 bệnh nhân bị thủng tử cung gây chảy máu dữ dội khi thai nhi được 8 tuần.
Theo BS Hiểu, có rất nhiều nguyên nhân gây ra vỡ tử cung trong khi mang thai và chuyển dạ. Chẳng hạn, do khung xương chậu của người mẹ và thai không tương xứng, khung chậu méo, hẹp, bất thường khung xương chậu.
Cũng có trường hợp vỡ tử cung do tử cung dị dạng hoặc có sẹo ở tử cung. Sẹo tử cung có thể do phẫu thuật sinh mổ trước đó, phẫu thuật bóc tách u xơ tử cung, sẹo tử cung do nạo phá thai gây nên… ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như sang chấn, tử cung yếu.
Trong một vài trường hợp gây vỡ tử cung, rách tử cung đó là thai nhi quá to hoặc thai nhi bị dị dạng. Bên cạnh đó một nguyên nhân đe dọa vỡ tử cung nhiều sản phụ mổ thai được một thời gian ngắn (dưới 2 năm) lại mang bầu tiếp, khi mang thai sẽ có nguy cơ vỡ tử cung nhiều hơn. Nhưng vỡ tử cung ở thai phụ có thai 8 tuần, tiền sử chưa mổ gì ở tử cung là rất hiếm gặp.
Để phòng các nguy cơ trong thai kỳ, đặc biệt là nguy cơ vỡ tử cung, người phụ nữ khi mang thai cần chú ý để kịp thời phát hiện các dấu hiệu không bình thường biểu hiện trong thai kì. Sản phụ phải tuân thủ nghiêm ngặt việc đi khám đều đặn để được bác sĩ theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời bác sĩ có thể tiên lượng ca sinh là dễ hay khó để có thể can thiệp kịp thời nếu có rủi ro.
BS Hiểu cũng khuyến cáo chị em đã sinh mổ nên qua thời kỳ 2 năm sau mổ mới nên có thai lại. Trong trường hợp mang thai sau mổ chưa được 2 năm cần cần được quản lý chặt, siêu âm hình ảnh để chẩn đoán những bất thường của tử cung.