Ông Sơn cho biết hiện Việt Nam đã sản xuất được khẩu trang vải ba lớp, bốn lớp ngăn ngừa giọt bắn, kháng khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh. Người dân có thể yên tâm sử dụng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn.
Y bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế thường xuyên tiếp xúc, điều trị người bệnh, rất cần đến đồ bảo hộ. Khẩu trang y tế sẽ giúp bảo vệ an toàn hơn cho các y bác sĩ.
"Chính sự an toàn của nhân viên y tế sẽ giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng", Thứ trưởng Sơn nói tại cuộc họp ngày 24/3.
Theo ông Sơn, các y bác sĩ theo dõi, chăm sóc người bệnh Covid-19 là những chiến sĩ hàng đầu trên trận tuyến. Nhân viên y tế nếu bị lây nhiễm sẽ ảnh hưởng tới công tác chăm sóc người bệnh.
Hai điều dưỡng ở Trung tâm Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, một bác sĩ tại phòng cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã nhiễm nCoV. Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện chấn chỉnh công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đặc biệt là các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Các y bác sĩ khi thực hiện những thao tác thủ thuật gần với đường thở của bệnh nhân thì rất dễ bị lây nhiễm virus, phải chủ động ngăn chặn nhiễm bệnh bằng cách sử dụng đồ bảo hộ", ông Sơn khuyến cáo. Ông cho biết Bộ Y tế sẵn sàng cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho các bệnh viện tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân nCoV.
Nhân viên y tế làm việc ở khoa khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 cũng phải có chế độ cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Họ cần thực hiện cách ly tại nơi lưu trú, tránh ra cộng đồng vì có thể là nguồn bệnh chưa phát hiện.
Bộ Y tế có kế hoạch mua sắm 30 triệu khẩu trang y tế, đảm bảo đủ cho tất cả nhân viên y tế khi tiếp cận bệnh nhân. Lúc đầu mục tiêu này gặp khó khăn. Tuy nhiên hiện các cơ sở sản xuất đã hoạt động ổn định, nguyên liệu đã được nhập, hoàn toàn có thể đảm bảo cung cấp đủ khẩu trang cho nhân viên y tế.
"Hiện ngành y tế có gần 4.000 máy thở, vừa ký hợp đồng mua khoảng hơn 5 triệu khẩu trang trong dự trù 30 triệu chiếc", Thứ trưởng Sơn nói.
Đến 18h ngày 24/3, Việt Nam ghi nhận 123 ca Covid-19, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi.