Hôm nay, tôi thấy người ta chở cả cái tủ lạnh gửi cho con em trong khu cách ly. Người ta đứng chật đầy cổng ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, bất chấp nguy cơ nhiễm virus bệnh do tụ tập đông người.
Hôm qua, tôi thấy có chàng trai khoe hàng tiếp tế ê hề thừa mứa từ người nhà, cậu bèn lập cả một quầy tạp hóa đủ món hàng xanh đỏ.
Rồi hôm trước, tôi thấy hai anh áo xanh của đội phục vụ cách ly phải chở con gấu bông to tướng của cô gái nào đó gửi cho bạn trai. Hình dung cảnh cậu chàng nào đó nằm ôm con gấu to trong chiếc giường cách ly chật hẹp, tôi muốn bật cười.
Trên diễn đàn nọ, người ta vẫn bàn luận quanh cái clip có trận cãi nhau giữa người cách ly và cán bộ phục vụ về hộp thức ăn. Người đàn ông to tiếng cho rằng cơm như thế là không thể nuốt, là không thể chấp nhận. Cùng lúc, ngoài vỉa hè, lại có cụ ông vô gia cư chỉ mong ước được vào khu cách ly để được biết cảm giác dưới trời này có chỗ trú thân và không phải lo từng bữa.
Bức tranh xã hội quanh chuyện cách ly mỗi ngày lại thêm những lát cắt khiến người ta lặng đi vì cảm động, đồng thời cũng bổ sung không ít chuyện khôi hài, chuyện đáng ngẫm ngợi.
Gần đây cụm từ “giàu nghèo bình đẳng trước COVID-19” trở nên phổ biến. Bệnh dịch không biết né người giàu, người quyền hành, cũng chẳng hề nương nhẹ người đói khổ. Một tiểu thư về nước bằng chuyên cơ riêng gần chục tỷ, hay một người đàn bà trung niên sang nước ngoài giúp việc phải vay mượn tiền để mua chiếc vé rẻ trở về, khi bước vào khu cách ly họ đều chung điều kiện màn-chiếu-gối, đều cơm hộp giống nhau, đều phải tuân thủ các quy định để không lây nhiễm chéo.
Nhưng rõ ràng, mỗi người bước vào khu cách ly với mỗi tâm thế, suy nghĩ. Người đang bận rộn xã hội bỗng bị khựng lại sự di chuyển giao tế sẽ khó tránh sự sốt ruột, khác người thở phào vì có thể xếp lại tất cả để sống chậm đôi tuần. Người đã quen cơm nhà vừa miệng và máy lạnh sẽ khác người lâu nay ăn ngủ công trường…
Trong y khoa, bác sĩ hay nói tới bệnh nền, tức bệnh có sẵn, bệnh mãn tính; trong sinh hoạt cũng có những thói quen nền, không dễ thay đổi tức thì, đặc biệt thói quen sinh hoạt trong điều kiện vật chất tối ưu. Nhưng, khi cả nước căng mình chống dịch, sẽ rất sai nếu những người thân ra sức tiếp tế để cung phụng thói quen nền sang chảnh.
Chuyển một chiếc tủ lạnh hay rinh hết đống đồ như núi vào khu cách ly cho con em không chỉ làm nặng gánh lực lượng phục vụ, không chỉ… tốn điện, tốn diện tích, mà còn tạo thêm những tâm lý tiêu cực khiến bọn trẻ có cảm giác đang phải chịu khổ ải, thiệt thòi, cần được chú ý, chăm bẵm, tiếp tế…
Trên các diễn đàn làm cha mẹ, chúng tôi từng bàn thảo “bọn trẻ bây giờ thiếu gì”, rồi đi tới kết luận, thứ trẻ thiếu chính là... sự thiếu thốn. Để con em trải nghiệm một cuộc sống khác thường mà hiểu hơn giá trị của sự đủ đầy, đó chẳng phải là một cơ hội của chúng và chính cha mẹ hay sao?
Tôi có người bạn giàu có. Con trai anh mới lớp 9 đã du học, cậu bé vừa từ Mỹ trở về đêm qua. Thấy trên mạng có mẫu đơn xin đi cách ly có trả phí, tôi chuyển bạn xem. Bạn ngạc nhiên hỏi: “Tại sao phải vào resort, khách sạn, khi điều kiện ăn ở khu cách ly tốt rồi? Mình chỉ gửi cho con cái quạt máy và bình đun nước sôi nhỏ để con ăn mì nếu ban đêm đói. Ban đầu định không gửi gì, vì thật lòng muốn con trải nghiệm thêm một học kỳ quân đội”.
Anh bạn này, hôm trước đã chuyển một món tiền qua tài khoản của Mặt trận tổ quốc. Anh viết bài chia sẻ nỗi cảm kích trước các lực lượng trắng đêm đón và đưa con anh về khu cách ly. “Không dám ghi ủng hộ, chỉ coi như đó là khoản tiền chi phí cho con trong 14 ngày tới để cố gắng một phần đỡ phiền thêm Nhà nước mình đang lúc khó khăn gồng mình chống dịch”.
Ai cũng biết nghĩ cho người khác, từ phía người khác, thì cuộc chiến COVID-19 hay bất cứ cuộc chiến nào, cũng sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều.