Sự ra đi đột ngột của cặp vợ chồng nghèo
Đó là hoàn cảnh thương tâm của vợ chồng anh Nguyễn Văn Quốc (SN 1968) và chị Nguyễn Thị Hường (SN 1973), trú tại thôn 4 Hoàn Trạch, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Anh Quốc vốn là nạn nhân bom mìn, sức khỏe yếu, trong khi đó chị Hường cũng mắc bệnh ung thư, đau ốm liên miên. Cặp vợ chồng khốn khó này có với nhau tất cả 6 người con, 4 gái, 2 trai.
Quanh quẩn với nghề chài lưới và vài ba sào ruộng, vợ chồng anh Quốc cũng chỉ lo đủ bữa ăn hàng ngày cho cả gia đình, riêng việc học hành của các con thì thiếu thốn đủ bề, chưa nói đến chuyện thuốc thang, chữa bệnh.
Giữa cơn bĩ cực với gánh nặng mưu sinh, một tai họa đã ập đến với anh Quốc, chị Hường. Vào ngày 27/5 vừa qua, trong lúc đi đánh cá ở nhánh sông Thanh Ba, nằm giữa xã Thanh Trạch và Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, chiếc thuyền nhỏ của vợ chồng anh Quốc không may gặp vùng nước xoáy và bị nhấn chìm.
Sau khi thuyền chìm, cả anh Quốc lẫn chị Hường đều bị nước cuốn mất tích. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã nỗ lực tìm kiếm với hy vọng cứu sống được 2 vợ chồng. Thế nhưng hy vọng đã bị dập tắt vào rạng sáng 28/5, khi thi thể của anh Quốc, chị Hường được tìm thấy gần khu vực cầu Thanh Ba.
Sự ra đi đột ngột của anh Quốc, chị Hường đã tạo cú sốc lớn đối với 6 người con, đặc biệt là 3 cháu nhỏ đang tuổi học hành.
Trong 6 người con của anh Quốc, chị Hường, có 2 cô con gái lớn đều lấy chồng xa. Cậu con trai thứ 3 là em Nguyễn Văn Cường (SN 1998) vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chưa tìm được việc làm. 3 con còn lại vẫn đang đi học là Nguyễn Mỹ Linh (lớp 10), Nguyễn Kim Oanh (lớp 8) và Nguyễn Văn Đạt (lớp 6).
Từ ngày anh Quốc, chị Hường ra đi, không khí tang thương, trống vắng luôn bao trùm lên căn nhà nhỏ, nơi Cường và 3 đứa em đang sinh sống. Trên bàn thờ của cặp vợ chồng xấu số nghi ngút khói hương, bên cạnh là ánh mặt ảm đạm của những đứa trẻ ngây thơ.
Cứ có người đến hỏi thăm, chia sẻ và thắp hương, các em lại rưng rưng khóc vì thương bố mẹ, những đôi mắt đỏ hoe luôn nhìn về di ảnh của người bố, người mẹ quá cố, rồi cố động viên nhau.
Gánh nặng đổ dồn lên người anh không nghề nghiệp
Với em Nguyễn Văn Cường, ngày bố mẹ mất, chàng trai rắn rỏi này thực sự ngã quỵ, không thể tin những gì vừa xảy ra. Thời điểm đó, trong túi Cường chỉ còn vỏn vẹn chưa đầy 2 trăm nghìn đồng, chẳng đủ tiền để mua áo quan cho bố mẹ.
"Cháu đi nghĩa vụ quân sự về cũng chưa tìm được việc làm, muốn đi xuất khẩu lao động nhưng chẳng có kinh phí. Bố mẹ mất rồi, cháu giờ là trụ cột trong nhà nhưng thực sự không biết làm sao nữa, sợ rằng không lo nổi cho 3 em, bắt các em nghỉ học thì tội lắm", Cường buồn tủi nói.
Còn với em Nguyễn Mỹ Linh, từ ngày bố mẹ ra đi, cô học trò nghèo ít nói hơn hẳn, lúc nào cũng cúi đầu rồi khóc một mình. "Bố mẹ cháu vất vả, cơ cực cả một đời, chưa có lấy một ngày thảnh thơi, cũng vì lo cái ăn, cái mặc cho mấy chị em, để bọn cháu được đến trường. Thương bố mẹ nên chúng cháu luôn bảo nhau phải cố gắng học thật tốt, sau này còn đỡ đần bố mẹ, vậy mà chưa kịp báo hiếu thì bố mẹ đã bỏ bọn em mà đi…", Linh òa khóc.
Còn nỗi đau, bất hạnh nào hơn khi mới đây thôi, dù nghèo khó nhưng gia đình vẫn đông đủ, ấm áp. Nhưng giờ đây, chỉ còn lại bốn người con, nương tựa vào nhau với nỗi lo cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chuyện học hành đứng trước nguy cơ dang dở, tương lai vô định, mịt mù...
Chia sẻ với Dân trí, bà Đinh Thị Huyền Trang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Hoàn Lão cũng cho biết, cuộc sống của gia đình em Cường vốn đã rất vất vả, nay bố mẹ qua đời thì khó khăn càng chồng chất.
Theo bà Trang, việc lo hậu sự cho bố mẹ Cường vừa qua cũng là nhờ Hội Chữ thập đỏ cũng như các ban, ngành địa phương đứng ra kêu gọi kinh phí, bản thân Cường và các em trong gia đình chẳng thể lo nổi.
"Có cái nhà được hỗ trợ xây dựng nay cũng đã xuống cấp. Giờ Cường vừa là bố, vừa là mẹ, gồng gánh nuôi 3 đứa em còn đi học. Bản thân Cường công việc chẳng có, lo cho bản thân mình chưa xong, nói gì lo cho các em. Thay mặt cho địa phương, chúng tôi rất mong các mạnh thường quân, tổ chức hảo tâm sẽ chung tay giúp đỡ để các em vượt qua khó khăn hiện tại, được đi học để có tương lai tốt đẹp hơn", bà Trang bày tỏ.