Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày 19/6, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối trưa nay phổ biến từ 45-65%. Đây là nhiệt độ ghi nhận tại các lều khí tượng.
Ông Lê Thanh Hải, Tổng Thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam cho biết, nhiệt độ cao nhất trong các bản tin dự báo là nhiệt độ đo được tại lều khí tượng.
Lều khí tượng được đặt ở nơi trống không có công trình xây dựng cản, không gần đường lộ, không gần ao hồ, không có bóng râm của cây… để các yếu tố bên ngoài không tác động lên thiết bị đo. Thiết bị đo cũng cần đo hướng đặt để đo hướng gió cho chính xác.
Tuy nhiên, nhiệt độ ngoài thực tế phụ thuộc nhiều vào các điều kiện khác như điều kiện địa hình, hướng gió, mật độ cây xanh, mặt nước, tỷ lệ bê tông hóa. Vì vậy, nhiệt độ ngoài thực tế có thể cao hơn trong lều khí tượng từ 5-8 độ, thậm chí cao hơn. Đó là lý do vì sao, nhiệt độ thực tế ngoài trời, nhất là trên các tuyến đường nhựa có thể lên tới 45- 50 độ, thậm chí hơn 50 độ. Cũng theo ông Hải, khu vực đô thị thường nóng hơn khu vực ngoại ô và nông thôn do tác động của hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Dự báo ngày mai (20/6), ở Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 40-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.
Khu vực Hà Nội ngày mai (20/6), có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ.
Nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 21/6, từ ngày 22/6 nắng nóng có xu hướng giảm dần. Ở khu vực Trung Bộ nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 22-23/6, sau nắng nóng có khả năng dịu dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.