Cặp vợ chồng ở Thiều Quan (Trung Quốc) đã dùng buổi lễ "chọn vật đoán tương lai" - một phong tục truyền thống, khi trẻ đầy năm dự đoán nghề nghiệp trong tương lai - cho 2 đứa con trai sinh đôi, để quyết định xem đứa trẻ nào “sống” và đứa trẻ nào “chết”.
Theo tờ Shaoguan Daily, cặp song sinh là Kangkang và Lele mắc một loại bệnh suy giảm miễn dịch - bệnh u hạt mạn tính hiếm gặp với tỉ lệ mắc là 1/200.000. Nếu không được điều trị thận trọng, người bệnh sẽ chết vì nhiễm trùng nghiêm trọng, chỉ có một phương pháp điều trị là ghép tủy xương.
Rất may mắn, cha mẹ của 2 đứa trẻ liên lạc với kho tủy xương của Trung Quốc, đã tìm được tủy xương thích hợp với 2 đứa trẻ và các nhà tài trợ sẵn sàng hiến tặng.
Tuy nhiên, chi phí đầu tiên của cấy ghép tủy xương cho hai đứa trẻ là gần 1 triệu Nhân dân tệ - NDT (khoảng 3,5 tỉ đồng). Đến nay, ba mẹ của cặp song sinh mới có gần 40 vạn NDT (khoảng 1,4 tỷ). Trong đó bao gồm số tiền họ đã phải vay mượn không ít của anh em bạn bè.
Các bác sĩ dự đoán nếu không được điều trị, Kangkang và Lelee chỉ sống đến hai tuổi. Đứng trước tình huống này, bố mẹ cặp song sinh đành để hai bé tự quyết định số phận qua nghi lễ "chọn vật đoán tương lai". Khi Kangkang nhặt mảnh giấy ghi chữ “sống” lên, bố mẹ hai em chỉ còn biết quỳ xuống khóc và xin lỗi Lele.
Rất may, Quỹ hỗ trợ từ thiện Trung Quốc dành cho trẻ em đã nhận được tin tức về hoàn cảnh buồn của gia đình và đã liên lạc với họ. Họ đã giúp các bậc cha mẹ này bắt đầu một chiến dịch gây quỹ để cứu cả hai anh em sinh đôi.
Câu chuyện về hoàn cảnh của cặp sinh đôi Kangkang và Lele nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Tính đến ngày 24.8, chiến dịch đã huy động được hơn 820.000 Nhân dân tệ.
Bệnh u hạt mạn tính (CGD) là một loại bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát (PI), trong đó một nhóm tế bào bạch cầu của cơ thể, gọi là bạch cầu trung tính, không tạo ra hydrogen peroxide, thuốc tẩy và các hóa chất khác cần thiết để chống nhiễm khuẩn và nấm.
Những người bị bệnh u hạt mạn tính sẽ bị các đợt nhiễm trùng tái phát do giảm khả năng miễn dịch của hệ thống để chống lại các sinh vật gây bệnh.
Bệnh tạo u hạt mạn tính (chronic granulomatous disease) được đặc trưng bằng phì đại các hạch bạch huyết và gan lách to. Khả năng tiêu diệt mầm bệnh nội bào của bạch cầu suy giảm. Ở đa số bệnh nhân, khiếm khuyết này là do bất thường ở NADPH oxidase.