Vừa qua, 2 chị em song sinh (11 tuổi ở Hòa Bình) rủ nhau đi bắt cua và có bắt được một con cóc nên đã làm thịt, nấu cho nhau ăn. Sau khi ăn khoảng 2 tiếng, cả hai chị em cùng có biểu hiện nôn liên tục, li bì, 2 bé được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng do bé lớn ăn nhiều hơn em và ngộ độc nặng hơn nên đã không qua khỏi.
Trong cơn nguy kịch, người em nhanh chóng được chuyển xuống BV Nhi Trung ương cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng buồn nôn nhiều, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim, huyết áp hạ. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thịt cóc, có biến chứng rối loạn nhịp tim, nên được cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực.
Không mạo hiểm khi cho trẻ ăn thịt cóc
Theo các bác sĩ khuyến cáo, thịt cóc là một món ăn bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc ăn thịt cóc lại tiềm ẩn nguy cơ vô cùng nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình không nên ăn thịt cóc. Bởi ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn, nhiều gia đình dùng đến thịt cóc để trị còi xương, suy dinh dưỡng. Hiện nay, các loại thịt, cá, trứng sữa... đều có hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì vậy nên loại bỏ quan niệm cho trẻ ăn thịt cóc để trị còi xương, suy dinh dưỡng vì rất mạo hiểm.
Thực tế, thịt cóc chứa hàm lượng đạm cao và không có độc tố. Tuy nhiên, nhiều bộ phận như da, gan, trứng, mắt… chứa nhiều độc tố. Độc tố này có thể dính vào phần thịt cóc khi chế biến không cẩn thận, rất dễ gây chết người. Đặc biệt kể cả khi nấu ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng không phân hủy.
Cách xử lý khi có dấu hiệu ngộ độc thịt cóc
Triệu chứng điển hình của ngộ độc thịt cóc là: mệt mỏi, lạnh, nhức các chi, chướng bụng, buồn nôn. Đặc điểm là tim đập rất chậm: 40 lần/phút, có khi chậm hơn hoặc loạn nhịp hoàn toàn.
Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể. Sau đó cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và chữa trị kịp thời.