Tôi mới lấy chồng được hơn 2 năm nay. Nhà chồng tôi thì rất có điều kiện vì bố mẹ chồng kinh doanh đồ gỗ. Thế nhưng vì nhà chồng giàu, nên lúc nào bố mẹ anh cũng coi trọng tiền hơn tất cả. Nhiều lúc thấy nhà tôi nghèo hơn, bố mẹ anh còn coi thường cả thông gia nữa.
Nhà tôi ở Lào Cai và lấy chồng tận Hà Nội. Do cách xa nhà hàng trăm km nên một năm tôi chỉ về nhà ngoại khoảng 2-3 lần. Còn lại, dù có nhớ nhà đến đâu, tôi cũng không thể về được.
Trước khi lấy chồng, tôi đi làm công sở lương tháng được khoảng 8 triệu đồng. Từ sau khi về nhà anh, bố mẹ chồng không cho dâu đi làm mà bảo tôi ra cửa hàng gỗ để phụ họ bán hàng và quản lý dần cửa hàng cho quen. Công việc ở đó thì nhiều, tôi làm có bao giờ biết đến đồng lương tháng bao nhiêu đâu. Sấp mặt ở cửa hàng vậy, tối về tôi lại bục mặt lo cơm nước hầu hạ cho cả nhà chồng.
Hết lòng hết sức phục vụ nhà chồng mà bố mẹ anh vẫn không hài lòng. Họ luôn cạnh khéo bảo tôi số sướng, chuột sa chĩnh gạo, về chỉ việc làm mà ăn. Rồi nhiều lúc họ mỉa mai quê tôi rừng rú, không có đồ ngon mà ăn. Được ăn ngon mặc đẹp vậy thì phải biết thân phận mà phục vụ họ.
Vì lấy chồng xa, lại sống cùng nhà chồng nên bố mẹ tôi dù có nhớ con gái cũng rất ít dịp tới thăm và ngủ lại. Hơn nữa, mẹ tôi say xe nên hầu như không đi được đường dài. Hơn 2 năm làm dâu, bà chỉ ngủ lại duy nhất với con gái 7 ngày. Đó là khi tôi ở cữ, bà không quản đường xa khăn gói lên chăm con dâu.
Thấy thông gia sang nhà, bố mẹ chồng tôi đón tiếp rất lạnh nhạt. Hàng ngày họ ở cửa hàng, mẹ tôi ở nhà phải làm hết mọi việc nhà chồng chẳng khác nào ô sin. Thấy thái độ của họ như vậy, dù thương con gái ở cữ không ai chăm, mẹ tôi cũng đùng đùng lấy cớ bận việc nhà để bỏ về.
Ngay cả khi thông gia gửi đồ ở quê miền núi xuống cho mẹ chồng, mặc dù toàn đồ sạch, đồ ngon nhưng lúc nào bà cũng chê bôi. Bà còn cấm không cho mọi người trong nhà ăn vì sợ quá trình nuôi trồng hay vận chuyển không sạch sẽ: “Cứ ăn mấy thứ quả rẻ tiền, thực phẩm rẻ tiền này là không yên tâm. Ai biết trên đó chăn nuôi thế nào, đường đi vận chuyển thế nào. Ăn vào có khi lại nhập viện vì không an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Lần nào nghe mẹ chồng chê bai như vậy, tôi lại ứ nghẹn trong cổ họng mà không nói được nên lời. Tôi cũng không bao giờ dám hé răng phản biện lại vì sợ bà mắng cả cụm. Nhưng tôi cũng không dám kể lại với mẹ đẻ vì sợ bà buồn lòng.
Mới đây, vườn hồng xiêm trên quê ngoại bói những quả đầu mùa. Mẹ tôi gọi điện xuống khoe bảo quả rất to lại ngon ngọt và thơm. Bà bảo hôm nào hái được, bà sẽ bảo bố tôi hái cho một ít và gửi xuống cho con gái ăn đỡ nhớ nhà.
Và cũng vì trèo lên hái hồng xiêm chín cho con gái mà bố tôi bị ngã gẫy chân. Đặc biệt, do nhỡ chuyến xe gửi mà những trái hồng xiêm gửi về Hà Nội tận 4 ngày tôi mới nhận được. Nhiều quả hồng xiêm đã bị dập song vẫn ăn được.
Mẹ chồng nhìn thấy tải hồng xiêm của thông gia gửi cho lại được thể bĩu dài môi: “Còn tưởng gửi cao lương mỹ vị cơ, thì ra là mấy quả hồng xiêm dập thế này. Ở đây tuy không phải rừng rú nhưng thiếu gì hồng xiêm mà còn gửi ra không biết. Đã nghèo lại còn ngu thế này bao giờ mới khá được”.
Cứ thế, vừa nói mẹ chồng tôi vừa kéo tải hồng xiêm ra đầu ngõ để xe rác đi qua thì vứt lên. Tôi đứng ở gần đó mà sốc và á khẩu. Thấy vậy, bà còn quay lại lườm con dâu: “Đang nuôi con bú, đừng ăn mấy đồ quê vớ vẩn này, con lại táo bón thì đừng trách tôi không bảo cô”.
Cả tối qua tôi nằm ôm con mà nghĩ thương bố mẹ ở quê quá thể. Tôi có nên một lần làm đứa con dâu hỗn láo, đôi co lại với mẹ chồng quá quắt của mình không?