Đoạn clip cho thấy, sau khi một trẻ mắc lỗi cắn bạn trong lớp, một giáo viên đã đẩy cháu ra giữa lớp và ngay lập tức gần như toàn bộ các trẻ khác, cả nam cả nữ lao vào “đánh hội đồng”.
Lũ trẻ đã hành động một cách khá “thành thục” và cùng lúc giống như đã nhận được một hiệu lệnh sau khi giáo viên đẩy bạn cùng lớp của mình về phía các cháu.
Trong lớp thời điểm đó có 3 giáo viên. Một người quay lưng lại, 2 người khác thản nhiên đứng nhìn. Đây cũng không phải là phản ứng thông thường của giáo viên khi trong lớp xảy ra những vụ lộn xộn.
Ở góc độ nào đó, người xem buộc phải nhận định việc đông đảo học sinh đánh hội đồng 1 cháu là có sự chỉ đạo, xúi giục của chính giáo viên. Điều đó cũng đồng nghĩa, thói quen này đã được hình thành từ trước đó. Việc cho phép các bạn còn lại trừng phạt một học sinh mắc lỗi chính là thứ “nội quy” mà các giáo viên này đề ra.
Có một thực tế buồn, sau nhiều vụ việc bạo hành xảy ra ở các cơ sở giáo dục mầm non, mà người gây bạo lực là giáo viên, dư luận dường như không còn quá bất ngờ với những sự việc tương tự. Lần này, cũng là một vụ bạo hành, nhưng nó mới mẻ hơn về hình thức và nghiêm trọng hơn về mức độ.
Nếu như trong các vụ bạo hành trước đó, người vi phạm luôn là giáo viên và nạn nhân là các cháu nhỏ, thì trong vụ việc này, nghiêm trọng hơn, các cháu bị xúi giục, bị huấn luyện để trở thành công cụ thực hiện hành vi bạo lực với chính bạn cùng lớp của mình.
Mỗi cháu nhỏ, ngày hôm nay có thể là người gây bạo lực với bạn cùng lớp nhưng ngày mai, nếu bị cô giáo bắt lỗi, đương nhiên cũng sẽ trở thành nạn nhân. Những đứa trẻ non nớt trong lúc rất cần được gieo vào tâm hồn những hạt giống của thiện lương, lại phải nhận mầm mống của bạo lực.
Thật cay đắng, bên trong nhiều ngôi trường với những cái tên mỹ miều, chứa đựng đầy hy vọng lại là nơi xảy ra những sự thật đau lòng: Giáo viên sử dụng bạo lực như một phương pháp để ép buộc trẻ tuân theo ý mình từ chuyện ăn, ngủ, sinh hoạt khác. Giờ đây giáo viên còn đào tạo, huấn luyện con trẻ trở thành công cụ để thực hiện hành vi bạo lực với chính bạn học của mình.
Xót xa hơn, như người mẹ có con bị bạo hành trong clip đã nói, các lớp học đều có camera ghi hình, mọi file hình ảnh đều được nhà trường lưu lại và lãnh đạo nhà trường kiểm soát. Tuy nhiên “phương pháp” giáo dục quái đản này lại vẫn có thể tồn tại trong môi trường giáo dục tưởng an toàn cho trẻ và không hề được ngăn chặn cho đến khi chính cha mẹ học sinh phát hiện, lên tiếng.
Bạo hành trẻ là hành vi trái luật và trong nhiều trường hợp sẽ bị coi là tội phạm, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Biến trẻ thành công cụ thực hiện hành vi bạo lực là phạm tội hai lần.