Vụ chồng bạo hành vợ đến hôn mê, dập lá lách xảy ra tại Vĩnh Phúc vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua thêm một lần khiến người ta phải nhìn lại công tác phòng chống bạo lực gia đình…
1. Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Việt Đức để tìm gặp chị Tạ Thị H. (40 tuổi, trú tại Ngọc Mỹ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) - nạn nhân mới nhất của một vụ bạo lực gia đình dã man. Dù đã trải qua cuộc phẫu thuật từ ngày 29-4-2018, thì đến vài ngày sau chị vẫn phải nằm trong phòng cách ly, bác sỹ chưa cho thăm gặp. Ngay cả anh trai chị H. (là anh Tạ Ngọc Hải, trú tại Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng chưa rõ thông tin em gái mình hiện sống chết thế nào.
Trên khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông ngoài 40 tuổi vẫn in hằn nỗi lo lắng với sự tình của em gái, và sự đau đớn, phẫn nộ khi là anh trai mà bất lực trước việc người em của mình bị chồng bạo hành. Nghe anh Hải kể mà chúng tôi cũng cảm thấy xót xa thay.
Chị H. là thứ ba trong gia đình có 4 anh chị em. Người mẹ mất sớm khi cậu em út mới được 8 tháng tuổi. Cũng chính vì vậy mà tuổi thơ của mấy anh chị em luôn trong tình trạng đói khát. Việc học hành của mấy anh chị em cũng bị bỏ bê. Cả anh Hải và chị H. đều chưa học hết bậc THCS.
Năm 20 tuổi, chị H. quen rồi đồng ý về làm vợ anh Nguyễn Văn L. (41 tuổi, cùng trú tại Ngọc Mỹ, Lập Thạch). Vốn chịu khó từ bé, chị L. vừa đi làm, vừa tần tảo hôm sớm chạy chợ cùng chồng xây dựng kinh tế, nuôi dạy con cái. Chị H. làm công nhân may, còn chồng mở xưởng hàn xì tại nhà. Cuộc sống cứ ngỡ sẽ mãi yên bình với chị H., thì khoảng 4-5 năm trở lại đây, sóng gió ập đến.
Ban đầu chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt, rồi công việc làm ăn cũng khó khăn hơn. Đặc biệt từ khi chị H. phát hiện ra chồng có "bồ" thì cuộc sống của gia đình đã bị đảo lộn. Nhiều lần chị H. bắt gặp chồng đi từ nhà nghỉ ra, thậm chí còn biết chồng "cặp" với một phụ nữ bỏ chồng cách nhà không xa. Giận dỗi khuyên bảo, can ngăn nhiều lần song anh L vẫn chứng nào tật nấy. Đã không bỏ thói xấu, chồng chị còn "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" với vợ.
"Không ít lần cái H. tâm sự với chúng tôi, rằng rất buồn vì tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ, chồng cứ đi với gái suốt. Công việc làm ăn bê trễ. Mấy lần nó muốn đâm đơn ly dị, song nghĩ đến con cái lại không đành lòng. Cái H. cũng bị bệnh gan, mấy lần phải đi cấp cứu. Vậy mà chồng nó vẫn cứ thường xuyên sử dụng bạo lực. Thương em, xót em lắm mà tôi cũng không biết làm thế nào. Chúng tôi cũng có nói với L. song chẳng ăn thua!" - anh Hải kể lại.
"Buổi sáng ngày 29-4-2018, khi cả gia đình tôi đang tham gia giúp đỡ một đám hiếu thì nghe tin H. bị chồng đánh rất dã man. Thấy mọi người nói lại là cái H. bị chồng lột sạch đồ rồi dùng ống nước đánh dập lá lách, ngất tại chỗ và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh. Sau đó H. được chuyển lên bệnh viện Việt Đức. Ngày 30-4, sau khi thu xếp việc nhà thì tôi xuống Hà Nội để chăm em. Ở đây mấy ngày trời mà các bác sĩ bảo em tôi vẫn chưa tỉnh đang phải nằm tại phòng hồi sức tích cực, chưa cho người nhà thăm gặp. Tôi sốt ruột lắm mà cũng chẳng biết làm thế nào" - Anh Hải kể thêm, giọng buồn bã.
Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc. Một lãnh đạo xã Ngọc Mỹ cho chúng tôi biết đã nắm được sự việc và Công an huyện Lập Thạch đang tiến hành điều tra làm rõ. "Hành vi kéo vợ ra ngoài đường để hành hung, gây thương tích nghiêm trọng như vậy là không thể chấp nhận được" - vị này chia sẻ.
Còn người chồng, Nguyễn Văn L. thì phân trần rằng do hôm đó nghe được đoạn ghi âm của vợ nói chuyện điện thoại với người đàn ông khác nên đã nổi cơn ghen. "Khi vợ đi mua đồ ở bên ngoài về đến cửa, tôi không nói gì mà tát luôn vào mặt vợ. Tôi có kéo vợ ra ngoài đường, lột quần áo, rồi tiếp tục tát vào mặt. Khi vợ tôi chạy vào nhà thì... tự ngã, sau đó không lâu thì vợ kêu đau ở bụng nên tôi đã đưa tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc khám" - anh L. nói.
Dù người chồng có bao biện như thế nào đi chăng nữa, thì theo chúng tôi hành vi hành hung vợ dã man đến nỗi phải nhập viện cấp cứu cũng không thể chấp nhận được. Hành vi này cần phải bị pháp luật nghiêm trị.
Và một điều đáng buồn là, những vụ bạo lực gia đình như trên lại đang không phải là chuyện hiếm, nhất là ở các vùng nông thôn nước ta. Còn nhớ tháng 6-2017, tại huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình đã xảy ra một vụ bạo hành gia đình khiến dư luận phẫn nộ.
Ngày 5-6-2017 chị P.T.T. (36 tuổi, trú tại xã Trà Giang huyện Kiến Xương, Thái Bình) đã bị chồng là Lại Thanh Tùng (45 tuổi, trú tại xóm 4, xã Trà Giang) có hành vi ngược đãi, đánh đập và dùng xích xích cổ vợ như thể một con vật. Sau khi nhận được tin báo, công an xã đã xuống hiện trường để giải cứu nạn nhân, lập biên bản vụ việc. Tại đây, chị T. đã được giải cứu khỏi sợi xích.
Được biết, mối quan hệ vợ chồng giữa hai vợ chồng chị T. vốn có nhiều mâu thuẫn từ lâu. Anh T. thì nghi ngờ vợ có người khác còn vợ thì nghi kị chồng có quan hệ ngoài luồng. Mỗi lần xảy ra mâu thuẫn, chị T. lại đưa con về nhà ngoại. Anh Tùng nhiều lần đến nhà ngoại xin lỗi để đón vợ con về.
Vào sáng 5-6, trong lúc tức giận, Tùng đã nhốt vợ trong nhà rồi dùng xích xích cổ người phụ nữ tội nghiệp. Lúc này, cậu con trai lớn phát hiện việc bố bạo hành mẹ nên đến trợ giúp mẹ thì bị Tùng hành hung, vặn tay khiến cậu bé học lớp 10 bị rạn xương. Ngay sau đó, sự việc đã được báo cáo với Công an huyện Kiến Xương. Đối tượng có hành vi bạo hành, ngược đãi vợ con đã bị công an huyện triệu tập ngay sau đó để điều tra, làm rõ.
2. Lâu nay, vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) ở nước ta vẫn ở mức báo động. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, số vụ BLGĐ liên tục gia tăng cả về quy mô và số vụ… là nỗi ám ảnh không chỉ cho người trong cuộc mà cho cả xã hội.
Nạn nhân của bạo hành không chỉ bị tổn thương về thể xác mà còn ám ảnh cả tinh thần, dẫn đến mất sức khỏe, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội…
Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) trong bốn năm từ năm 2012 đến 2016, cả nước đã xảy ra gần 130 ngàn vụ bạo lực gia đình và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Bạo lực gia đình có nguy cơ xuất hiện ở khắp mọi nơi với 58% phụ nữ trên cả nước đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực trong đời. Số liệu từ các bệnh viện, trung tâm, phòng cấp cứu lớn trên toàn quốc cho thấy, có tới 27% vụ cấp cứu, 10% ca điều trị y khoa nghiêm trọng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.
Điều đáng nói là đây cũng chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Có những vết thương do bạo lực gia đình gây ra không thể thấy bằng mắt, vẫn tồn tại hằng ngày. Chị Lê Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) cho biết: 100% số vụ bạo lực gia đình có yếu tố bạo lực tinh thần. Rất nhiều người đã bị chấn thương tâm lý do những lời nói, hành vi hạ nhục, trong đó tình trạng sử dụng con cái áp chế tinh thần diễn ra khá phổ biến.
Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe, thể chất, tâm lý, tinh thần của người xung quanh, là nguyên nhân gây tan vỡ gia đình cũng như rối loạn trật tự xã hội. Nhức nhối là vậy, song vì nhiều lý do, bạo lực gia đình vẫn chưa được đẩy lùi.
Có một điểm rất đáng nói ở đây là sau những vụ bạo lực gia đình, thì nạn nhân, gia đình bị hại thường có có xu hướng "dĩ hòa vi quý". Họ nhanh chóng quên đi hành vi dã man của người chồng, người cha để cho cuộc sống được... bình yên. Song họ không biết rằng việc dung dưỡng như vậy chỉ càng khiến cho sự việc ngày một nghiêm trọng.
Như trong vụ chồng bạo hành, xích cổ vợ ở Thái Bình, sau khi vụ việc xảy ra, chị T. đã chủ động xin với Hội LHPN các cấp và chính quyền địa phương để tự xử lý trong gia đình. "Nạn nhân không muốn làm bung bét sự việc bởi bản thân người chồng cũng đã nhận lỗi lầm và xin vợ tha thứ. Quan trọng hơn, họ vẫn còn 2 đứa con nữa, các cháu đang tuổi ăn tuổi lớn", chủ tịch Hội LHPN huyện Kiến Xương cho biết.
Còn theo Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, bạo lực gia đình tồn tại dai dẳng là do bình đẳng giới chưa được thực hiện triệt để, trong đó tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá nặng nề. Một nguyên nhân khác khiến bạo lực gia đình còn "đất sống" là do hệ thống luật pháp cũng như các chính sách, chương trình, chiến lược hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình chưa thật sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt, có sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong các văn bản quy định; sự phối hợp lỏng lẻo, thiếu ổn định, chậm trễ của các ban, ngành, địa phương…
Được biết hiện cả nước có khoảng 7 ngàn cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, hơn 35 ngàn địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và gần 20 ngàn mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Nghe quy mô có vẻ "hoành tráng" như vậy, song việc tuyên truyền và thực hiện phòng chống BLGD vẫn còn rất hạn chế.
Về mặt luật pháp, dù rằng thông tư của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về thành lập các cơ sở tham vấn, hỗ trợ nạn nhân quy định rất rõ, người làm công tác tham vấn được cấp chứng chỉ hành nghề, song vấn đề này vẫn đang gặp vướng mắc vì chưa có hướng dẫn cụ thể, trong khi chuyên viên tham vấn thường xuyên bị địa phương từ chối do thiếu cơ sở pháp lý. Cũng ít địa phương thực hiện được quy định hỗ trợ 200 nghìn đồng chi phí bông băng/năm; 40 - 50 nghìn đồng chi phí ăn, uống/ngày cho nạn nhân tới xin hỗ trợ tại "địa chỉ tin cậy" ở cộng đồng do không có kinh phí.
Do vậy, hoạt động của hơn 35 nghìn "địa chỉ tin cậy" ở cộng đồng vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của người nhận trách nhiệm này. Trong khi đó, "địa chỉ tin cậy" cũng chỉ là những người dân ở địa phương nên cũng có nguy cơ bị hành hung, lăng mạ khi che chở nạn nhân. Ngoài ra, Thông tư 16/2009/TT-BYT của Bộ Y tế về tiếp nhận, chăm sóc y tế cũng không hỗ trợ nạn nhân khi quy định: Chi phí cho việc khám và điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả đối với người có thẻ bảo hiểm y tế. Trong trường hợp nạn nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, chi phí do nạn nhân tự chi trả.
Cũng theo Bà Lê Phương Thúy, khi có một vụ bạo lực gia đình xảy ra, cần có sự tham gia tích cực của các lực lượng để giải quyết tận gốc vấn đề, chứ không chỉ giải quyết bằng hòa giải. Còn Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhấn mạnh người phụ nữ cần bổ sung kỹ năng tự bảo vệ, kiến thức pháp luật cũng như hiểu biết về quyền của mình để không nhẫn nhịn chịu đựng...