Có những điểm tôi đồng tình và cũng có những điểm tôi không đồng tình. Tuy nhiên qua những chia sẻ của Bruce và Emma, hai phụ huynh người Pháp, tôi đã học hỏi được khá nhiều điểm tích cực trong cách giáo dục con của họ.
Dưới đây là những điều mới mẻ trong cách nuôi dạy con của người Pháp:
1. Chăm trẻ sơ sinh
Có lần, tôi hỏi Emma rằng khi con của chị (Troy và Lola) bao nhiêu tuổi thì ngủ riêng, Emma nhún vai trả lời: "Chỉ hai tuần tuổi thôi".
Emma nói rằng, lúc đầu họ cũng không có kinh nghiệm với Troy, nên cứ dính lấy Troy cả ngày. Cứ hễ Troy khóc là người bố lại ngay lập tức chạy đến dỗ dành.
Nhưng rồi sau đó họ nhận ra rằng nếu tiếp tục làm như vậy thì công việc chăm sóc con cái vốn đã quá mệt mỏi lại càng thêm áp lực hơn. Nghĩa là họ phải dành rất nhiều thời gian không cần thiết cũng như công sức ở bên trẻ trong khi họ có thể hạn chế lại.
Họ bắt đầu thay đổi. Khi Troy khóc, họ để cho cậu bé tiếp tục khóc. Nếu trong khoảng 15 phút mà cậu bé không nín, họ sẽ đến kiểm tra xem có gì không ổn.
Chỉ khó khăn khoảng một tuần đầu, Troy khóc nhiều khi không có bố mẹ dỗ dành. Sau đó cậu bé quen, chỉ khóc khoảng 10 phút là tự nín, rồi ít dần ít dần.
Từ đó trở đi, đến giờ đi ngủ, bố mẹ chỉ việc tắt đèn, trẻ em tự động hình thành thói quen đi ngủ. Khóc mà không có ai dỗ, các bé tự nín, ngày qua ngày thành thói quen.
Troy và Lola không bao giờ có khái niệm được gãi lưng, được bố mẹ hát à ơi ru ngủ, ôm ấp dỗ dành để quen hơi.
Họ không làm vậy không phải vì họ không yêu và muốn ôm ấp con họ. Họ muốn con họ độc lập ngay từ bé và muốn việc nuôi con trở nên dễ dàng hơn.
2. Ăn uống
Về vấn đề ăn uống, hai phụ huynh Emma và Bruce cũng không cầm đĩa thức ăn chạy theo con để đút từng muỗng một. Họ đặt đĩa lên bàn để trẻ tự ăn. Nếu ăn hết, các bé được bố mẹ cho phép ăn món bánh sô cô la yêu thích, còn không thì không được phép.
Nói về nuôi con bằng sữa mẹ, Emma chia sẻ rằng, chị chỉ cho Lola bú đúng một tháng nhưng vắt ra bình, không cho bú trực tiếp, còn Troy thì không bú mẹ ngày nào.
Troy và Lola vẫn lớn, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và ít khi đau ốm. Mẹ Emma cũng không phải vất vả bôi mực vào ti để con cai sữa.
3. Trẻ chơi gì vào thời gian rảnh?
Bruce và Emma cũng dành rất nhiều thời gian cho con cái. Họ có cả tủ board-game khoảng hơn 30 trò khác nhau. Ví dụ như cờ tỉ phú, cờ vua, cờ vây, trò xếp chữ...
Trẻ em ở đây hầu như ai cũng chơi lego và cũng có bộ sưu tập đủ loại. Vì chơi lego nhiều nên Troy cực kì giỏi trong việc lắp ráp mô hình và thiết kế.
Một điều đặc biệt nữa là trẻ em ở Châu Âu thường có một tủ quần áo và phụ kiện để hóa trang. Chúng thường thích hóa trang để tự làm chương trình cho bố mẹ xem hoặc để tham gia các lễ hội tại trường.
Một điều nữa, khi tôi cùng Troy và Lola đi ra công viên ở đây, tôi đã thấy vô cùng ngạc nhiên khi bố mẹ để con họ (dù còn rất nhỏ) tự chơi các trò chơi trong công viên mà tôi cho rằng rất nguy hiểm.
Ví dụ như bé Candy (con của mẹ Stephanie - bạn của mẹ Emma) mới 2 tuổi trèo lên cầu tuột rất cao (gấp đôi, gấp ba cầu trượt ở khu thiếu nhi của Việt Nam), xong rồi cô bé tự trèo tự tuột không cần ai đỡ.
Lúc Candy chơi trò bập bênh với Lola, tôi có bảo Lola: "Em bập bênh nhẹ thôi không thì em bé sẽ sợ đấy". Candy lập tức đáp lại "Em không phải là trẻ con. Em là một cô gái. Trò bập bênh này không đáng sợ chút nào cả".
Các em có vẻ không sợ những trò mạo hiểm cho lắm, chúng tha hồ chơi mà không cần bố mẹ bên cạnh đỡ hay giám sát. Các bậc phụ huynh thường để trẻ tự chơi và cùng nhau ngồi tụ tập nói chuyện dưới gốc cây.
4. Dạy con hiểu biết về thế giới thông qua trò chuyện hàng ngày
Troy và Lola hiểu biết khá nhiều lĩnh vực từ lịch sử, địa lí, y học, văn hóa...
Ví dụ như Lola (6 tuổi) biết khi phụ nữ có thai thì em bé sẽ được truyền chất dinh dưỡng từ người mẹ nhờ dây rốn nối nhau thai. Troy (8 tuổi) thì biết có 4 lục địa tất cả, biết tự sát trùng và băng vết thương khi chảy máu.
Bố mẹ Bruce và Emma cũng mua rất nhiều sách cho hai con: sách về kim tự tháp, thiên văn học, giới tính…
Trong nhà có rất nhiều bản đồ được trưng bày khắp nơi. Troy và Lola được đi du lịch nhiều và chúng rất nhớ tên của các thành phố, quốc gia mình đến cũng như điểm đặc biệt ở từng nơi.
5. Cho trẻ tập thói quen đọc sách
Quay trở lại với Troy và Lola, hằng ngày hai đứa trẻ phải dành ít nhất 15 phút đọc sách cả tiếng Anh và tiếng Pháp.
Trong phòng các con đều có rất nhiều sách. Bruce là hình tượng lí tưởng cho con. Bruce đọc cực kì nhiều sách về chính trị, lịch sử và có một căn phòng toàn sách chất đầy gần chạm đến trần nhà.
Bruce và Emma dành rất nhiều thời gian cũng như nỗ lực cho việc trau dồi kiến thức cho con mình, không như nhiều bố mẹ trẻ khác thường dán mặt vào điện thoại.
Họ luôn luôn dành thời gian cho con và với họ, kiến thức cũng như sự độc lập là những nhân tố quan trọng mà con cần có để vào đời thêm tự tin.
Emma nói với tôi rằng, cuộc sống bên ngoài rất khắc nghiệt, trẻ em cần được học để bảo vệ chính mình, để giỏi giang, có nhiều tự tin và mạnh mẽ khi trưởng thành.
Troy đi học đàn ghita, dù giáo viên cực kì nghiêm khắc và nhiều lần Troy xin mẹ cho nghỉ vì áp lực, vì mình kém nhất lớp nhưng mẹ vẫn động viên Troy tiếp tục đi học, đối mặt với giáo viên ấy và vượt qua nỗi sợ của mình.
Phụ huynh Pháp để con va chạm với khó khăn từ bé, để lớn lên khi con vào đời, con sẽ không dễ dàng bỏ cuộc trước mọi khó khăn.
6. Hạn chế cho trẻ xem ti vi
Troy và Lola cũng khá bất mãn và thậm chí còn khóc khi mình không được xem tivi nhiều. Người bố, Bruce, rất nghiêm khắc, vào ngày thường hai đứa không được xem tivi mà chỉ được xem vào cuối tuần.
Troy nói trong nước mắt: "Chị biết không, bố xem ti vi rất nhiều. Thỉnh thoảng bố còn xem ti vi đến tận một giờ sáng cơ".
Trong trường hợp hai đứa trẻ hư thì chúng có thể bị phạt không được xem phim trong một tuần hay một tháng tuỳ thuộc vào mức độ. Cách này rất hiệu quả vì trẻ em nào cũng thích xem ti vi.