Quá trình thay đổi và phục hồi tử cung sau sinh
Theo sự tăng trưởng của em bé trong bụng, tử cung người mẹ từ trọng lượng chỉ khoảng 50g sẽ tăng trưởng suốt thai kỳ lên đến khoảng 1000g.
Sau khi sinh khoảng 6 tuần, tử cung có thể hồi phục lại kích thước nhỏ bằng quả chanh, trọng lượng giảm xuống 60 – 70g, độ rộng hẹp dần, độ cứng tăng lên. Cả quá trình biến đổi này gọi là “phục hồi tử cung”.
Thông thường, vấn đề hồi phục tử cung sau sinh có tốt hay không có thể thông qua quan sát đáy tử cung để phán đoán. Ngày đầu tiên sau khi sinh, đáy tử cung có thể “chạm” đến vị trí rốn.
Sau đó, mỗi ngày kích thước tử cung sẽ giảm đi 1 – 2 cm, khoảng 2 tuần tiến đến khung chậu và kết hợp chỉnh tề với phần mu. Lúc này, bạn sờ bên ngoài bụng sẽ không có cảm giác chạm thấy tử cung bên trong nữa.
Nếu sau khi sinh cảm thấy tử cung quá to, không ngừng tiết sản dịch kèm theo máu và có triệu chứng đau bụng, mẹ cần chú ý tìm hiểu xem có phải tử cung chưa phục hồi hoàn toàn hay không. Có thể dựa vào 3 tiêu chuẩn sau để biết tình hình phục hồi tử cung:
Lượng: Sau mỗi lần sinh nở, cơ thể phụ nữ đều tiết sản dịch. Nhưng chất dịch này phải sạch và không có biểu hiện bị viêm nhiễm. Khoảng 3 tuần sau sinh sẽ chấm dứt thải dịch, tối đa không quá 42 ngày sau sinh.
Màu sắc: Sau 3 – 4 ngày sau sinh, dịch thải có thể kèm theo một ít máu và chất nhầy khoang tử cung cùng một ít niêm mạc bị bong tróc v.v… Khi tử cung dần hồi phục, dịch thải có thể có màu hồng nhạt, màu cà phê, sau cùng chuyển sang màu trắng sữa hoặc trắng nhạt.
Mùi: Dịch thải sau sinh bình thường có mùi hơi tanh của máu nhưng không hôi. Khoảng 7 – 10 ngày sẽ không còn mùi. Nếu tử cung bị viêm nhiễm, dịch thải sẽ có mùi hôi tanh.
Trường hợp phụ nữ sau sinh không thể tự phán đoán tình hình phục hồi tử cung, sau khoảng thời gian 42 ngày có thể trở lại bệnh viện để kiểm tra.
Bí quyết phục hồi tử cung sau sinh
Tích cực xuống giường hoạt động
Theo Pcbaby, nhiều người dù cơ thể vẫn khỏe mạnh nhưng lại quan niệm rằng sau khi sinh phải nằm nhiều, nghỉ ngơi nhiều để mau chóng lấy lại năng lượng. Điều này không tốt như bạn nghĩ. Thực tế, căn cứ vào tình trạng sức khỏe cho phép, mẹ nên chủ động cố gắng xuống giường đi lại.
Chỉ cần bạn vẫn cảm thấy thoải mái và không quá mệt thì việc hoạt động sau sinh rất có lợi cho quá trình phục hồi tử cung và cả cơ thể, thúc đẩy đào thải sản dịch sau sinh.
Đừng nhịn tiểu
Trong quá trình sinh nở, bàng quang bị áp lực, niêm mạc xung huyết, sức co giãn của cơ bị giảm thấp cùng cơn đau sau sinh hoặc không quen nằm tiểu khiến nhiều chị em cố nhịn tiểu. Tình trạng này sẽ khiến bàng quang phình to, cản trở quá trình tử cung thu hẹp, thậm chí có thể viêm hoặc xuất huyết bàng quang.
Mát xa hỗ trợ tử cung phục hồi
Mẹ có thể dùng tay đặt lên phần quanh rốn, nhẹ nhàng mát xa theo chiều kim đồng hồ để thúc đẩy tử cung mau chóng thu hẹp lại như bình thường.
Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ
Khi em bé bú mẹ, tử cung cũng sẽ nhanh chóng được thu hẹp và mau hồi phục. Vì vậy, mẹ nên cố gắng cho bé bú những dòng sữa đầu tiên để tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
Chú ý vệ sinh
Cơ thể phụ nữ sau sinh tiết sản dịch, đổ mồ hôi nhiều có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn, khó chịu. Vì vậy, bạn nên vệ sinh thân thể hợp lý để giúp tinh thần thoải mái, tránh bị viêm nhiễm.