Chị Nguyễn Thị Hoa - Kỹ sư tin học, 26 tuổi ở Hà Nội chuẩn bị lập gia đình tâm sự trong trạng thái đầy lo lắng: "Chúng em yêu nhau được hơn một năm. Sau thời gian tìm hiểu khá kỹ, em đã đưa người yêu về gia đình và được bố mẹ em ủng hộ.
Anh ấy nói tuần tới sẽ đưa em về ra mắt mẹ anh ấy. Nếu bà “duyệt” thì Tết này sẽ làm đám cưới. Vì nhà anh bố mất sớm chỉ có mẹ nuôi con ăn học đến giờ nên ý kiến của bà gần như quyết định. Nếu chẳng may bà không “duyệt” thì sẽ vô cùng khó khăn, có thể phải hoãn lại không biết đến bao giờ hoặc tan vỡ cũng nên.
Anh ấy cho rằng, mẹ chỉ có mỗi mình anh nên nếu mẹ chồng nàng dâu không hợp nhau thì thà anh không lấy vợ chứ không muốn làm mẹ đau lòng mà em cũng khổ. Nghe anh nói thế em lo quá!
Em cứ nghĩ đến ngày gặp mẹ anh mà mất ăn mất ngủ. Nếu đi phỏng vấn xin việc không hợp thì đi tìm chỗ khác, chứ việc làm dâu là việc suốt đời. Chẳng biết cuộc “phỏng vấn” này có suôn sẻ không? Em rất mong một lời khuyên về cách làm thế nào vượt qua được kỳ “phỏng vấn” quan trọng này".
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa tư vấn
Cho đến nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vẫn là nỗi kinh hoàng với nhiều cô gái khi chuẩn bị bước lên xe hoa về nhà chồng. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tránh được "hiểm hoạ" đó nếu biết những phương sách sau đây.
Trước hết, xin chúc mừng bạn vì bạn đã hỏi ngay từ trước khi ra mắt mẹ chồng. Nếu để bị phạt “thẻ vàng” ngay từ lúc đầu thì sau này sửa chữa rất khó, có khi bị phạt tiếp “thẻ đỏ” thì coi như... hết phim!
Cổ nhân có câu: "Biết mình biết người trăm trận trăm thắng" nhưng bạn chưa gặp mẹ chồng bao giờ nên bạn chưa thể hiểu gì về bà. Muốn biết những thông tin về "đối thủ" không có cách gì hay hơn là phải tận dụng triệt để "nội gián" của bạn để hiểu những sở thích, cá tính của bà và nên bàn với người yêu về thưa chuyện trước với mẹ anh ta về việc đã đến lúc con phải lấy vợ. Nói sao để bà hiểu không phải chỉ vì anh ta thích lấy vợ mà vì bổn phận làm con, muốn có người bạn đời cùng mình chăm sóc mẹ già yếu và muốn có cháu để bà vui.
Chỉ khi nào mẹ anh ấy đồng tình với việc con trai mình cần phải lập gia đình thì mới yêu quý con dâu được. Động tác này rất quan trọng bởi vì trong thực tế có những trường hợp, mẹ chồng ghét con dâu không phải vì cô ta không tốt mà chỉ vì bà chưa muốn cho con trai lấy vợ sớm.
Chỉ khi nào anh ta “mật báo” mẹ đồng ý cho anh lấy vợ thì hãy đến. Nếu mẹ lại mong con trai lấy vợ để có cháu bế thì bạn xuất hiện đúng lúc rất dễ được ... chào mừng nồng nhiệt!
Trước lần đầu gặp mặt, người yêu bạn phải giới thiệu tóm tắt về nàng dâu tương lai với mẹ. Nêu bật những nét tốt đẹp của người yêu để gây thiện cảm với mẹ.
Giống như người quảng cáo hàng phải ca ngợi hết nhẽ, làm sao cho mẹ chồng thấy con mình may mắn tìm được người vợ hợp với nó và mong ngày gặp mặt con dâu tương lai thì khi bạn xuất hiện mới thuận lợi.
Nếu gặp giai đoạn bà đang vui thì tính tình sẽ cởi mở dễ chấp nhận hơn. Còn nếu bà đang buồn rầu đau khổ vì lý do gì đấy như có chuyện bất đồng với con trai chẳng hạn thì phải hoãn lại, không nên vội vàng hỏng việc.
Đặc biệt anh ta phải mách nước cho bạn là bà thích nói chuyện gì, nếu lĩnh vực ấy bạn không biết, không nắm rõ thì phải tìm hiểu trước và hướng câu chuyện vào đề tài bà thích nghe.
Trong lần "phỏng vấn" đầu tiên, hình thức con người bạn rất quan trọng. Bạn nên ăn mặc sao cho "hợp nhãn" của bà. Đây sẽ không phải dịp để khoe đường cong nóng bỏng qua chiếc quần jeans ngắn hay thoải mái tung tẩy trong đôi dép lê xỏ ngón.
Thay vào đó, những bộ quần áo trang nhã, lịch sự và kín đáo sẽ là lựa chọn phù hợp nhất, giúp các nàng dâu ghi điểm trong mắt gia đình chồng tương lai. Tuy nhiên, nàng cũng không nên bỏ qua yếu tố thoải mái của bộ trang phục, vì những thử thách như dọn dẹp, rửa bát, nấu cơm... sẵn sàng chờ đón.
Chúc bạn ra quân trận đầu thành công rực rỡ!