Theo thông tin từ Dân Trí, người phụ nữ khiến cho bất cứ ai ở khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bỏng Quốc gia không khỏi lặng người đi vì thương cảm, là chị Nguyễn Thu Hường (SN 1988, trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội).
Thấy chị Hường ngã gục trước cửa phòng bệnh, chị Trần Hằng Nga (chị họ bên chồng chị Hường) vội vàng chạy tới. Quàng tay dìu em dâu lên ghế, vừa lấy lọ dầu gió xoa khắp người thiếu phụ trẻ tuổi, chị Nga ái ngại cho biết:
"Khổ thân em dâu tôi. Em nó mổ đẻ lần 3, mới được 2 tuần, sức còn yếu lắm, nhưng cứ nằng nặc đòi vào thăm chồng. Đến đây nhìn thấy chồng thì không chịu đựng nổi, em nó mà đổ bệnh nữa thì cháu tôi phải làm thế nào!...", chị Nga sụt sùi.
Bên trong phòng cách ly đặc biệt của khoa Hồi sức tích cực, anh Nguyễn Thế Dũng (SN 1981, chồng chị Hường) đang phải trải qua những giây phút "thập tử nhất sinh". Quanh giường bệnh là một dàn máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ anh duy trì sự sống mong manh.
Nhập viện đã gần 1 tháng, nhưng anh Dũng vẫn chưa hồi tỉnh. Mỗi khi dịch từ những vết bỏng sâu tứa ra nhuộm vàng lớp băng trắng quấn khắp cơ thể, người đàn ông tội nghiệp lại rùng mình cựa quậy, lệ ứa ra từ đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Dù đang hôn mê, nhưng dường như anh Dũng vẫn cảm nhận được sự đau đớn ghê gớm mà mình đang phải gánh chịu.
Là người trực tiếp điều trị cho anh Dũng, bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, khoa Hồi sức tích cực cho biết: "Bệnh nhân Nguyễn Thế Dũng nhập viện ngày 29/10, trong tình trạng sốc bỏng, tổn thương diện rộng. Diện tích bỏng của bệnh nhân 37%, trong đó 22% độ sâu 3,4,5 ở mặt, cổ, thân, chi do bỏng điện".
Bác sĩ Hưng cho biết thêm, hiện tại bệnh nhân đã thoát sốc nhưng biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, bệnh nhân vẫn đang phải thở máy, lọc máu. Chi phí vào khoảng 10-20 triệu/ngày (đã trừ BHYT 80%). Bệnh nhân đã được phẫu thuật ghép da tự thân một lần và sẽ phải phẫu thuật thêm nhiều lần tiếp theo nữa.
Được chị chồng chăm sóc, chị Hường đã dần dần lấy lại sức. Nghe như "nuốt" lấy từng lời bác sĩ, nước mắt thiếu phụ lại ứa ra đầm đìa gương mặt vẫn chưa hết sự bàng hoàng.
"Hôm đó là thứ 7, chồng em bảo đi làm thêm bên ngoài để kiếm tiền cho vợ sinh con. Đến gần trưa thì thấy chuông điện thoại liên tục, em nghe thì có tiếng người lạ báo đến bệnh viện gấp, chồng em đang được cấp cứu ở đó.
Em lúc đó hoảng loạn, chỉ nghe bác sĩ nói chồng em được người dân tốt bụng đưa vào viện. Chồng em chưa tỉnh nên đến giờ em cũng chưa có bất cứ thông tin gì về vụ tai nạn. Con em mới được 2 tuần, anh ấy chưa được nhìn mặt con. Sao tai họa lại rơi vào gia đình em thế này!... ", chị Hường bật khóc.
Đưa tay lau nước mắt, chị Hường bùi ngùi kể, chị là cô giáo mầm non, anh Dũng làm công nhân điện lực của quận Đống Đa (Hà Nội). Bình thường đồng lương của 2 vợ chồng khéo co kéo cũng đủ cho 4 người sinh sống. Nay tai họa đột ngột xảy đến khiến lao động chính trong nhà rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc", lập tức đẩy gia đình vốn không dư dả này vào cảnh khốn quẫn.
"Thương vợ chồng em vất vả phải thuê trọ, năm ngoái ông bà ngoại cho mảnh đất nhỏ sâu trong làng, vợ chồng em vay mượn dựng gian nhà cho các cháu. Rồi em vỡ kế hoạch, vợ chồng cứ suy nghĩ mãi rồi quyết định giữ lại con. Cũng chính vì vậy, mà chồng em phải vất vả đi làm thêm đêm ngày, rồi xảy ra cơ sự này!...", chị Hường nức nở.
Chị Hoàng Ánh Dương, cán bộ công tác xã hội, Bệnh viện Bỏng Quốc gia chia sẻ: "Nhìn người vợ mới sinh mổ run rẩy đứng gọi tên chồng trước cửa phòng cấp cứu, không ai có thể cầm lòng được.
Việc chữa trị cho anh Dũng kéo dài, hơn nữa cuộc chiến sinh tử của bệnh nhân sẽ là một chặng đường dài chứ không chỉ ngày một, ngày hai nên rất mong mọi người cùng chung tay giúp đỡ cho gia đình chị Hường", chị Dương nói.
Vào đầu tháng 11/2023, tại Vũng Tàu cũng xảy ra trường hợp bị bỏng điện rất nặng. Theo VnExpress, hai thiếu niên 16 tuổi và người đàn ông 40 tuổi câu cá gần đường dây điện, bị điện giật gây bỏng diện tích 50-62% cơ thể.
Trong đó, người 40 tuổi còn bị thêm 10% độ bỏng cháy sâu ở phần thân và tay, dự kiến sẽ được phẫu thuật cắt lọc hoại tử sớm. Hai thiếu niên bỏng nhiều ở vùng mặt, ảnh hưởng đường hô hấp, bị phù nề, được đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy. Nếu hô hấp ổn định, cả hai sẽ được cai máy thở, rút nội khí quản và chăm sóc vết thương theo phác đồ chuyên sâu hơn.
Nguyên nhân cả ba người bị điện giật đang được điều tra. Người dân tại địa phương cho rằng có thể sự cố xảy ra do dây câu cá vướng vào đường dây điện trung thế gần đó.
Theo bác sĩ Trần Văn Khoa, Khoa Phỏng Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, bỏng nặng diễn tiến rất phức tạp, bệnh nhân ngoài việc điều trị vết thương còn cần rất nhiều thời gian chăm sóc hồi phục. Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị 10-12 bệnh nhân bị điện giật do câu cá, một số ca không thể qua khỏi.
Bác sĩ khuyến cáo người dân tuân thủ đảm bảo an toàn về điện, đặc biệt khi trời chuyển mưa, độ ẩm cao hoặc sắp mưa tránh ngồi hay đứng gần đường điện trung - cao thế.