Ngày 25-5, chị Ngô Thị Thu T (26 tuổi ngụ tại Bình Dương) đã phản ánh với Báo Phụ nữ Sức khoẻ về việc bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 giữ giấy tờ gốc của chị không chịu trả lại dù chị đã nhiều lần yêu cầu.
Theo chị T, ngày 10/06/2015, chị có nộp hồ sơ xin việc làm tại bệnh viện Vạn Phúc (tên trước đây của bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1). Hồi đó, do nhu cầu tuyển nhân viên về làm tại khoa Sản Nhi nên bệnh viện có đề nghị chị T đi học thêm lớp nữ hộ sinh tại Bệnh viện Từ Dũ 9 tháng. Tuy là học theo nhu cầu bệnh viện nhưng chị T lại phải chấp nhận điều kiện mà bệnh viện đặt ra: không được hưởng lương trong thời gian đi học và phải tự túc kinh phí… Bản chất là thế, nhưng bệnh viện Vạn Phúc khi đó lại yêu cầu chị T phải kí cam kết giữ giấy tờ, văn bằng gốc, sau khi học xong về làm việc tại bệnh viện 5 năm thì bệnh viện mới cho giấy giới thiệu đi học lớp này. “Vì mới ra trường kinh nghiệm chưa có và cần việc làm nên tôi đã đồng ý kí cam kết để được đi học nâng cao tay nghề để sau đó có thu nhập ổn định”. Chị T chia sẻ.
Đến ngày 11/04/2016 chị T học xong và được nhận vào làm việc tại bệnh viện Vạn Phúc. Phòng nhân sự có yêu cầu chị T nộp lại giấy chứng nhận Nữ hộ sinh gốc. Ngày 17/10/2016, Bệnh viện Vạn Phúc gia nhập tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ. Đến năm 2017, khi có thông tin bệnh viện có quyết định trả tất cả giấy tờ, văn bằng gốc cho nhân viên, chị T có đến lấy về nhưng khi đó phòng nhân sự bệnh viện chỉ trả Bằng Y sĩ và Chứng chỉ hành nghề gốc cho chị T và giữ lại còn giấy chứng nhận Nữ hộ sinh gốc của chị T.
Do có một số vấn đề cá nhân nên đến giữa năm 2019, chị T có nguyện vọng nghỉ việc tại bệnh viện. Ngày 07/05/2019, chị T viết đơn xin nghỉ việc nộp cho bệnh viện và 1 tuần sau chị T lên hỏi phòng nhân sự để xin lại giấy chứng nhận Nữ hộ sinh mà bệnh viện đang giữ. Tuy nhiên, phòng nhân sự bệnh viện không trả vì tờ giấy đó thuộc quyền sở hữu của bệnh viện. Lý do, bệnh viện đã chi trả chi phí đào tạo và chị T từng ký cam kết làm việc cho bệnh viện 5 năm sau khi học xong khoá Nữ hộ sinh (tức phải làm việc đến năm 2020). Khi nào chị T hoàn tất cam kết thì bệnh viện mới cho chị T nghỉ và trả lại giấy chứng nhận gốc.
Ngày hôm sau, chị T lại lên gặp phòng nhân sự bệnh viện để rút đơn xin nghỉ, tiếp tục làm cho đến khi hoàn thành cam kết. Tuy nhiên, lúc này phía bệnh viện lại không đồng ý vì Ban giám đốc bệnh viện đã kí duyệt đơn nghỉ việc cho chị T rồi. Chị T tiếp tục yêu cầu trả giấy chứng nhận Nữ hộ sinh nhưng phía bệnh viện vẫn không đáp ứng.
3 ngày sau, phía bệnh viện yêu cầu gặp chị T. Lần này, họ đưa bản cam kết mà chị T ký năm 2016 và yêu cầu chị T phải bồi thường kinh phí đào tạo với mức tự nguyện đưa ra. Họ cho chị T thêm 1 ngày để suy nghĩ và trả lời. Cũng tại buổi làm việc, phía bệnh viện sau khi cho rằng chị T lên trang cá nhân nói xấu bệnh viện, làm ảnh hưởng tới danh tiếng bệnh viện.
Ngày 25-5, phòng nhân sự gọi chị T tới bệnh viện lên lần thứ 4 để thỏa thuận mức bồi thường. Nếu không đồng ý thì T viết đơn xin ở lại làm việc đưa Trưởng khoa và Nữ hộ sinh trưởng kí rồi nộp lên giám đốc duyệt lại. Tuy nhiên, do quá mệt mỏi, chị T muốn nghỉ luôn. Sau đó phía bệnh viện hẹn chị T 2 hôm sau sẽ trả lời.
Đến ngày 27-5, tại lần tiếp xúc thứ 5, bệnh viện vẫn không trả lại giấy Nữ hộ sinh gốc cho chị T mà cho biết, chị T phải làm việc 45 ngày sau khi nộp đơn xin nghỉ, ngày cuối cùng khi có hồ sơ bàn giao công việc họ sẽ trả lại giấy chứng nhận Nữ hộ sinh cho chị T.
Trao đổi với chúng tôi chị T khẳng định: "Chi phí học khoá Nữ Hộ Sinh là do tôi bỏ tiền túi ra. Khi đó, tôi mới nộp hồ sơ xin việc, bệnh viện còn chưa ký hợp đồng dài hạn với tôi thì sao lại bỏ kinh phí cho tôi đi học và yêu cầu phi lý như thế? Thậm chí khi tôi đồng ý bồi hoàn kinh phí đào tạo nếu bệnh viện đưa ra được hoá đơn chứng từ thì họ không đưa ra được. Tôi làm chưa đủ 5 năm nhưng theo Luật lao động quy định, tôi viết đơn nghỉ báo trước 45 ngày (vì hợp đồng của tôi là HĐLĐ không thời hạn) và thực hiện nghĩa vụ đầy đủ. Bệnh viện không chỉ gây khó dễ cho tôi mà còn đòi bêu riếu tôi lên các trung tâm tuyển dụng thì họ thật quá đáng. Tôi viết thông tin trên mạng chỉ mong mọi người tư vấn về pháp lý, chứ không hề nêu tên nói xấu bệnh viện."
Trao đổi với Phóng viên, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1, tiền thân là bệnh viện Vạn Phúc. Năm 2017 thì liên doanh sát nhập với tập đoàn Hoàn Mỹ. Về pháp lý thì vẫn là bệnh viện Vạn Phúc. Do đó, cam kết mà chị T ký năm 2016 với bệnh viện Vạn Phúc vẫn còn nguyên giá trị pháp lý. Bệnh viện xác nhận đã có nhiều lần làm việc với chị T. và có lúc yêu cầu chị T phải hoàn trả chi phí đào tạo trên cơ sở chị T tự đề xuất số tiền. tuy nhiên, đề nghị này chị T vẫn không đồng ý nên phía bệnh viện yêu cầu chị T phải hoàn tất nghĩa vụ lao động theo đúng luật và khi hoàn tất bệnh viện sẽ trả lại giấy chứng nhận đào tạo Nữ Hộ Sinh cho chị T.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM, việc vi phạm sẽ dựa theo nội dung của cam kết giữa hai bên thoả thuận trước đây. Nếu một trong hai bên vi phạm cam kết thì bên còn lại có thể khởi kiện ra toà đòi bồi thường. Nếu bệnh viện yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo thì họ phải chứng minh việc thanh toán chi phí học tập. Còn pháp luật không cho phép doanh nghiệp giữ giấy tờ gốc của người lao động. Cụ thể theo Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, đó là:“Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động” (khoản 1). Điều 5 Nghị định 95/2013 NĐ-CP quy định hậu quả pháp lý và biện pháp khắc phục của trường hợp này như sau: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động... Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này. Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.