Thế nào là bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ em?
Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết thuật ngữ viêm phế quản co thắt (spasmodic bronchitis) hiện nay rất ít dùng trong các tài liệu Anh, Mỹ và Châu Âu.
Đây là một dạng bệnh viêm phế quản nhưng kèm theo theo một số dấu hiệu đặc trưng khác như trẻ thở khò khè, co thắt vùng ngực, bụng.
Phế quản trong cơ thể có cấu tạo là đường ống dẫn khí nối từ khí quản vào tận phổi theo trật tự phế quản gốc bên trái và gốc bên phải, tiếp đến là các phế quản nhỏ hơn rồi đến các tiểu phế quản tiếp giáp với phế nang. Đa số trẻ em mắc bệnh viêm phế quản co thắt đều được chữa khỏi.
Nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh viêm phế quản co thắt
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản co thắt ở trẻ xuất phát từ các chủng virus (chủ yếu là virus RSV gây ra tình trạng hẹp phế quản trong phổi). Một số vi khuẩn khác như phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn… cũng có thể gây ra bệnh này ở trẻ em. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh còn do ký sinh trùng, hóa chất hoặc dị vật.
Trẻ bị viêm phế quản co thắt sẽ có các triệu chứng tương tự bệnh viêm phế quản (ho có đờm, thở khò khè…). Ngoài ra, trẻ mắc bệnh này còn kèm theo các triệu chứng: Thở khò khè, khi trở nặng có thể nghe tiếng thở rít.
Hiện tượng co thắt ở trẻ có thể kéo dài trong 7 ngày, các cơn ho gây ra khoảng 14 ngày. Theo thống kê, bệnh viêm phế quản co thắt có thể gây ra tình trạng bội nhiễm dẫn đến viêm tai giữa (chiếm 20% tổng số ca bệnh), từ 1 – 2% trẻ phải nhập viện để thở oxy hoặc truyền dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh thông tin triệu chứng của viêm phế quản với hen suyễn ở trẻ khá giống nhau nên nhiều trường hợp trẻ bị suyễn lần đầu lại được chẩn đoán là viêm phế quản co thắt.
Chăm sóc trẻ bị viêm phế quản co thắt
Trẻ bị viêm phế quản co thắt cần được uống thuốc đầy đủ theo toa, bú mẹ nhiều, uống đủ nước (đối với trẻ trên 6 tháng tuổi). Khi cần thiết, bác sĩ sẽ cho phun khí dung giãn phế quản.
Chăm sóc trẻ hàng ngày mẹ cũng nên chú ý vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý và hút đờm cho trẻ phòng trường hợp dịch mũi khiến trẻ nghẹt, gây viêm đường hô hấp dưới. Khi ngủ, đầu trẻ cần kê ở vị trí cao hơn, tạo cảm giác thoái mái.
Mẹ cũng cần cách ly trẻ với khói thuốc và khói bếp. Tình trạng co thắt sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ hít phải nhiều loại khói độc hại.
Khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, thở rút, nhịp thở hơn 60 hơi/phút, đau ngực… cần lập tức đưa đến bệnh viện để các bác sĩ kịp thời can thiệp.