Thông tin này dựa trên bài báo của các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSKCC) vừa được công bố trên Tạp chí Blood Advances của Hội Huyết học Mỹ (American Society of Hematology – ASH).
Đa u tủy là một loại ung thư máu xảy ra khi các tế bào plasma, một loại tế bào bạch cầu chịu trách nhiệm về hệ thống miễn dịch, biệt hóa và tăng sinh bất thường trong tủy xương. Bệnh đa u tủy xâm nhập và làm tan xương, khiến xương giòn và xâm lấn vào tủy xương, làm giảm số lượng bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu, có thể dẫn đến nhiễm trùng, thiếu máu và chảy máu.
Đây là bệnh ung thư máu phổ biến thứ hai ở Mỹ và đặc biệt phổ biến ở người trưởng thành da đen. Ngoài ra, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khoảng 13% dân số Mỹ và tỷ lệ này tiếp tục gia tăng.
Tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Urvi A. Shah - một chuyên gia về đa u tủy tại MSKCC cho biết: “Bệnh tiểu đường phổ biến hơn ở người da đen so với người da trắng và chúng tôi muốn tìm hiểu xem liệu những khác biệt này có thể ảnh hưởng đến kết quả sức khỏe ở những bệnh nhân mắc hai căn bệnh này hay không”.
Để tìm hiểu, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 5.300 bệnh nhân mắc bệnh đa u tủy được điều trị tại hai trung tâm y tế. 15% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, trong đó có 12% bệnh nhân da trắng và 25% bệnh nhân da đen.
Bệnh nhân đa u tủy mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ sống sót thấp hơn so với bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường. Khi các nhà nghiên cứu phân loại điều này theo chủng tộc, những bệnh nhân da trắng mắc cả u tủy và tiểu đường có tỷ lệ sống sót thấp hơn so với những bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, hiện tượng này không xảy ra ở bệnh nhân da đen.
Bác sĩ Urvi A. Shah cho biết: “Phát hiện bất ngờ là bệnh tiểu đường thực sự có liên quan đến khả năng sống sót kém hơn ở bệnh nhân u tủy da trắng, nhưng không phải ở bệnh nhân da đen”.
Nhìn chung, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng theo độ tuổi và tỷ lệ sống sót chung giảm theo độ tuổi. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, bệnh tiểu đường phổ biến hơn 50% ở bệnh nhân da đen từ 45 đến 60 tuổi so với bệnh nhân da trắng từ 60 tuổi trở lên. Các nhà nghiên cứu cho biết những bệnh nhân trẻ tuổi có thể chịu đựng được việc điều trị đa u tủy tốt hơn những bệnh nhân lớn tuổi, điều này có thể giải thích một số khác biệt về chủng tộc được quan sát thấy trong kết quả sống sót.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra sự phát triển của khối u ở mô hình chuột biến đổi gen và phát hiện ra rằng khối u đa u tủy phát triển nhanh hơn ở chuột mắc bệnh tiểu đường không béo phì so với nhóm đối chứng không mắc bệnh tiểu đường. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nguyên nhân có liên quan đến insulin được kích hoạt quá mức ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Mức insulin cao liên quan đến bệnh tiểu đường có thể đẩy nhanh sự phát triển của ung thư.
Bác sĩ Urvi A. Shah cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân mắc cả bệnh đa u tủy và bệnh tiểu đường. Điều trị bệnh đa u tủy thường bao gồm nhiều đợt hóa trị, nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng điều trị bệnh tiểu đường đồng thời có thể cải thiện hơn nữa tiên lượng của bệnh nhân”.
Bác sĩ Urvi A. Shah cho biết rằng trong tương lai, không chỉ nghiên cứu con đường truyền tín hiệu insulin quá mức ở bệnh nhân đa u tủy và tiểu đường mà còn tìm ra phương pháp điều trị ngăn ngừa sự phát triển của bệnh đa u tủy và liệu việc thay đổi hệ vi sinh vật và chế độ ăn uống có thể cải thiện tiên lượng ung thư hay không.