Dấu hiệu trẻ bị thủy đậu
Bệnh thủy đậu ở trẻ em thường bắt đầu từ việc trẻ bị sốt, nhức đầu, đau họng mà không bị phát ban, triệu chứng này có thể kéo dài trong vài ngày. Nhiệt độ sốt dao động từ 38,3 - 38,8°C.
Sau đó, trẻ sẽ nổi các nốt mụn đầu tiên ở vùng bụng hoặc lưng, dần dần lan ra khắp cơ thể (đầu, miệng, tay, chân và bộ phận sinh dục).
Các nốt thủy đậu ban đầu có dạng tròn nhỏ, giống mụn nhọt hoặc vết cắn của côn trùng. Tuy nhiên, chúng xuất hiện rất nhanh chóng, từ 2 đến 4 ngày, sau đó phát triển thành mụn nước, bóng nước.
4 - 5 ngày sau, mụn thủy đậu sẽ khô đi, đóng vảy và tự bong. Đối với trẻ có hệ miễn dịch yếu hoặc mắc các rối loạn về da như eczema thì các nốt thủy đậu có thể lây lan rộng và mức độ tổn thương nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em
Bệnh thủy đậu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ nhỏ dưới 12 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Bệnh thủy đậu đặc biệt lây lan rộng rãi vào mùa đông xuân.
Virus varicella-zoster (VZV) chính là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu hoặc bệnh zona thần kinh. Tùy theo điều kiện cụ thể mà nó phát triển thành thủy đậu hoặc zona.
Hầu hết mỗi người chỉ mắc bệnh thủy đậu 1 lần trong đời, sau khỏi bệnh thì virus này vẫn nằm yên ở trong cơ thể và có thể gây ra bệnh zona sau này.
Tiêm ngừa thủy đậu có thể giúp trẻ ngăn ngừa nhiễm bệnh hoặc nếu bệnh xảy ra cũng sẽ nhẹ hơn và ít biến chứng hơn so với trẻ không được tiêm chủng.
Điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em
Bệnh thủy đậu do virus gây ra. Vì vậy, kháng sinh sẽ không có tác dụng chữa bệnh. Đôi khi kháng sinh được sử dụng chỉ để tiêu diệt vi khuẩn xâm nhiễm vào các vết loét do mụn thủy đậu khi trẻ dùng tay để gãi.
Khi trẻ bị thủy đậu, bố mẹ nên cho trẻ đi bệnh viện khám chữa để được điều trị dựa vào độ tuổi, sức khỏe và mức độ nhiễm trùng. Thuốc kháng virus có thể được kê đơn cho các trẻ bị thủy đậu có nguy cơ bị biến chứng.
Không có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu. Phần lớn, điều trị các triệu chứng như hạ sốt, chống ngứa, chống nhiễm trùng…
Bệnh thủy đậu ở trẻ em có lây không?
Bệnh thủy đậu có lây không là câu hỏi mà nhiều bậc cha mẹ hay thắc mắc. Câu trả lời là có, thủy đậu rất dễ lây truyền. Nếu gia đình có người nào chưa từng bị thủy đậu sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nếu tiếp xúc trực tiếp khi chăm sóc trẻ.
Thủy đậu lây truyền chủ yếu qua sự đụng chạm những vết thủy đậu của trẻ bị bệnh. Ngoài ra, bệnh còn lây qua đường hô hấp khi trẻ hắt hơi hoặc ho, thậm chí lây nhiễm qua sự tiếp xúc quần áo hoặc ga trải giường do chất dịch từ nốt thủy đậu hoặc những giọt nước nhỏ từ miệng hoặc mũi của trẻ.
Bệnh thủy đậu có thế lây từ người bệnh sang người bình thường, ngay cả khi chưa nổi ban ngứa cho đến sau khi các vết phát ban đã lành. Nghĩa là từ lúc nhiễm siêu vi cho đến khi lành hẳn, đều có nguy cơ lây truyền cho người khác.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em nên kiêng gì?
Kiêng sử dụng thuốc aspirin
Không cho bé sử dụng aspirin để hạ sốt vì nó có khả năng gây ra một bệnh hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em gọi là Hội chứng Reye, dẫn đến suy gan, thậm chí tử vong.
Kiêng gãi, cào cấu, làm vỡ nốt thủy đậu
Bố mẹ cần nhắc nhở bé không được gãi để tránh làm vỡ và xước các nốt thủy đậu. Khi các nốt thủy đậu bị vỡ sẽ để lại sẹo, dễ nhiễm trùng và khiến bệnh lây lan sang các vùng da lành khác nhanh hơn.
Kiêng sử dụng chung đồ dùng
Để tránh lây lan bệnh thủy đậu, bố mẹ cần cách ly trẻ khỏi mọi thành viên trong gia đình. Đồ dùng của trẻ phải được phân biệt để dùng riêng (khăn mặt, bàn chải, ly cốc…) và được tẩy trùng sạch sẽ.
Không nên cho trẻ đi học
Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan, vì vậy bố mẹ nên cho trẻ nghỉ học khi bị bệnh để tránh lây lan cho bạn bè. Trẻ em hoàn toàn có thể khỏi bệnh, ít để lại sẹo trên da khi bố mẹ chăm sóc tốt cho trẻ.