Nữ bệnh nhân 55 tuổi ở Bình Chánh, TP HCM bị lao phổi cách đây 20 năm, đã tắc hoàn toàn phế quản gốc, xẹp một bên phổi, chỉ còn sống với một phổi. Cách đây hai ngày bệnh nhân ăn mãng cầu bị sặc sụa tím tái. Các bệnh viện gắp không thành công nên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy.
Phó giáo sư Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đây là ca bệnh đặc biệt khó. Bệnh viện đã hội chẩn nhiều chuyên khoa để tìm phương án tốt nhất. Bệnh nhân chỉ còn một phổi, nếu phẫu thuật mở phổi để lấy dị vật tiên lượng sẽ rất xấu. Các bác sĩ khoa Hô hấp, Tai Mũi Họng, Gây mê, Nội soi đã quyết định phối hợp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân ngày 14/3.
Bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân đã suy hô hấp đang đặt nội khí quản. Trường hợp này khi nội soi phải đi qua đường nội khí quản, bệnh nhân không còn đường thở nên bắt buộc phải làm nhanh, gọn, chính xác. Nếu bệnh nhân không suy hô hấp thì các bác sĩ có thể nội soi gắp dị vật qua đường miệng, đường mũi.
"Trong quá trình nội soi, bốn lần bệnh nhân tụt oxy phải ngưng nội soi để hồi sức rồi mới tiếp tục thủ thuật, tránh ngưng tim", bác sĩ Thanh chia sẻ. Sau 30 phút vừa thủ thuật vừa hồi sức bệnh nhân, các bác sĩ đã gắp thành công hạt mãng cầu khỏi phổi.
Bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận bệnh nhân bị dị vật trong phổi như hạt hồng xiêm, ổi, xâu chuỗi... Nhiều bệnh nhân đến viện thì dị vật đã nằm trong phổi vài năm, gây biến chứng viêm phổi tái phát nhiều lần, ho kéo dài, giãn phế quản gây ho ra máu, xẹp phổi...
Bác sĩ khuyến cáo mọi người ăn uống cần cẩn trọng, tránh cười đùa, nhất là khi ăn trái cây có hạt. Khi xảy ra sự cố nên đi kiểm tra, soi gắp ở những trung tâm lớn. Việc gắp dị vật đường hô hấp nên được thực hiện ở nơi có chuyên khoa ngoại lồng ngực, nếu chẳng may rách khí quản thì có thể xử trí mổ mở phổi kịp thời.