BV Việt Đức cho biết, trong 1 tuần qua, BV liên tiếp điều trị cho 2 trường hợp bị chó nhà cắn, tình trạng nặng.
Bệnh nhân đầu tiên là bé trai 7 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) bị chó nhà (chưa tiêm vắc xin) cắn nhiều vết vào mặt. Trong đó 1/2 môi trên bị cắn đứt lìa kích thước 2x2cm, sát mũi, môi dưới bị cắn sâu.
Đáng lưu ý, phần môi bị đứt rời dập nát, có nhiều vết răng chó ở trên nên không có khả năng nối vi phẫu để gắn lại môi cho bệnh nhi, đồng thời phần môi này cũng không được bảo quản đúng cách.
BS Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ cho biết, các bác sĩ đã làm sạch tổn thương, khâu các vết thương ở mặt, ghép phức hợp 1 phần môi trên.
Hiện tại bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, vết thương khô. Bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật tạo hình nhiều lần, tuy nhiên tiên lượng kém, ảnh hưởng lớn đến chức năng thẩm mỹ sau này.
BS Hằng khuyến cáo, trong các trường hợp bị đứt rời một phần chi hay môi, cần bảo quản đúng cách bằng cách cho phần cơ thể vào túi nilon sạch + ít nước sạch, quấn chặt, sau đó đặt vào thùng nước đá.
Trường hợp còn lại bị chó cắn là cụ bà 88 tuổi (Đông Anh, Hà Nội). Trên đường đi mua thuốc cảm cúm về, bà bị con chó to của hàng xóm chạy ra xô ngã, cắn vào tay, lóc da một đoạn dài cánh tay phải kèm tổn thương phần mềm 2 ngón tay.
Bệnh nhân sau đó đã được cắt lọc vết thương. Tình trạng hiện đã tạm ổn, trong 2-3 ngày tới có thể xuất viện.
Cách đây 2 tuần, BV Việt Đức cũng cấp cứu cho bé gái 8 tháng tuổi (Hà Nội) bị chó Ngao của nhà cắn dẫn đến sốc mất máu rồi tử vong. Khi bà mẹ nhìn thấy con bị chó cắn, chị chạy vào giằng con cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay.
Theo Nghị định 90 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và một số lĩnh vực khác có hiệu lực từ 19/7/2017, các trường hợp không đeo rọ mõm cho chó hoặc không buộc xích mà đưa ra nơi công cộng, chủ con vật sẽ bị phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng... Tuy nhiên, thực tế nhiều chủ nuôi chó vẫn ngó lơ quy định này.