Đêm qua (03/4), bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận trường hợp bé N.Đ.D (7 tuổi) bị đàn chó cắn bị thương nặng, đồng tử 2 bên giãn, huyết áp không đo được, đa chấn thương, chấn thương vai, vết thương xuất hiện hai bên bẹn.
Bé N.Đ.D hiện trú tại thị trấn Lương Băng, huyện Kim Động (Hưng Yên) khi đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ thì bị một đàn chó tấn công. Người dân nhìn thấy đã giải cứu và đưa bé cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên.
Thấy tình trạng nguy kịch, gia đình đã đưa bé lên bệnh viện Việt Đức. Tuy nhiên, cháu bé đã không qua khỏi.
Trường hợp của bé N.Đ.D. là một trong số rất nhiều vụ tai nạn trẻ bị chó cắn khi đi chơi một mình, không có người thân bên cạnh.
Trẻ cần làm gì khi bị chó dữ tấn công?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết cha mẹ nên dạy trẻ kỹ năng đối phó với cho lạ khi chúng đến gần hoặc sủa hướng về phía bé.
Điều đầu tiên, cha mẹ cần dạy trẻ phải hết sức bình tĩnh, không nên sợ hãi khi đối mặt với chó dữ. Trẻ càng có biểu hiện sợ hãi, những con chó hung hăng sẽ càng có xu hướng tấn công dữ dội hơn. Khi trẻ bình tĩnh, đám chó dữ sẽ e dè, không dám tấn công con mồi.
Đặc biệt, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ không được bỏ chạy, ném đá hoặc đạp xe khi chó lạ tiến đến gần. Cách đối phó khôn ngoan là trẻ cần đứng yên, không nên nhìn vào mắt chúng. Nhìn vào mắt chó dữ có thể khiến chúng nhận ra nạn nhân đang sợ hãi.
Bước tiếp theo, nếu trẻ cầm đồ vật trên tay, hãy dặn trẻ nên ném ra xa nhằm hướng sự chú ý của chó lạ vào vật thể này. Bé cũng có thể dùng giày, dép, khăn quàng để nhanh chóng ném đi.
Tình huống nguy cấp bắt buộc trẻ phải tri hô lớn để nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Trong trường hợp xấu nhất, cha mẹ hãy dặn trẻ ôm chặt và bảo vệ các bộ phận cơ thể quan trọng như mặt, ngực, cổ họng. Đây thường là những khu vực trên cơ thể chó dữ thường nhắm đến tấn công theo bản năng.
Nếu trẻ không may bị chó cắn, cha mẹ hãy nhẹ nhàng trấn an tâm lý trẻ. Sơ cứu vết thường bằng cách rửa dưới vòi nước chảy mạnh hoặc dùng nước ấm rửa vết thương. Song song đó, cha mẹ hãy dùng xà phòng, nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn để sát trùng vết thương, không nên chà xát mặt. Sau cùng, băng sơ vết thương rồi đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra.
Ngoài ra, bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng thông tin, không nên cho trẻ sơ sinh (từ 2 – 3 tuần tuổi) ở gần vật nuôi một mình. Nên rọ mõm vật nuôi để đảm bảo an toàn cho bé. Sau 6 tuổi mới nên cho trẻ tiếp xúc và tìm hiểu vật nuôi.
“Nhiều trường hợp vật nuôi thấy chủ chăm sóc bé có thể ghen tức và tấn công bất cứ lúc nào”, bác sĩ Khanh chia sẻ.