Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết mới đây cấp cứu trường hợp bé trai 21 tuổi uống nhầm chất tẩy rửa bồn cầu, bị loét miệng, hạ họng thanh môn và loét thực quản, dạ dày.
Người nhà bệnh nhi cho biết, tai nạn xảy ra rất tình cờ. Trong lúc chơi đùa, cậu bé cầm chiếc chén gia đình từng dùng để đựng chất tẩy rửa bồn cầu nhưng chưa kịp rửa sạch cho vào miệng.
Dù lượng chất tẩy bồn cầu không nhiều nhưng ngay lập tức sau khi cầm uống, môi của bé sưng vù, nôn nhiều, miệng họng có nhiều vết trợt loét, gia đình đã đưa ngay đến BV Nhi Trung ương cấp cứu.
Tại khoa Cấp cứu chống độc, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu ban đầu và đánh giá trẻ không có dấu hiệu suy hô hấp, suy tuần hoàn và không có thủng nội tạng. Trẻ được lên kế hoạch nội soi tai mũi họng và nội soi đường tiêu hóa trên trong vòng 24 giờ sau cấp cứu.
Kết quả cho thấy bệnh nhi bị tổn thương vùng miệng và hạ họng thanh môn phù nề xung huyết; loét thực quản-loét dạ dày độ 2b-3a. Cháu bé được chuyển lên theo dõi tại khoa Tiêu hóa-Trung tâm Gan mật-Tiêu hóa-Dinh dưỡng.
Bác sĩ CKII Đặng Thúy Hà, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Trung tâm Gan mật-Tiêu hóa-Dinh dưỡng cảnh báo, tình trạng trẻ uống nhầm, nuốt phải các chất ăn mòn rất phổ biến (hay gặp nhất là axit) gây tổn thương nghiêm trọng ở thực quản và dạ dày. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào số lượng, độ pH, dạng vật lý (rắn/lỏng) của chất ăn mòn và thời gian tiếp xúc với niêm mạc.
Bệnh nhi này do uống nhầm chất tẩy bồn cầu, gây tổn thương dạ dày ở mức độ 2b-3a nên đã được sử dụng kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton, dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch và Solumedrol liều cao trong 3 ngày theo khuyến cáo.
Dự kiến, bệnh nhi sẽ được nội soi lại sau 4 tuần để đánh giá lại tổn thương và có kế hoạch điều trị tiếp theo.
Theo bác sĩ Hà, khi trẻ nuốt phải những hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần sơ cứu sớm để tránh tổn thương sâu.
"Việc cần làm ngay lập tức là cần rửa, súc họng, miệng bằng nước muối loãng ấm hay dung dịch trung hòa như dung dịch Bicarbonat Na; giảm đau và sau khi sơ cứu cần chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị", BS Hà cảnh báo.
BS Hà thông tin thêm, có những trường hợp hậu quả của việc uống nhầm axit, chất tẩy rửa, ăn mòn rất nặng nề. Trước đó, cuối tháng 6, bệnh viện tiếp nhận bé gái 11 tuổi uống nhầm axit sunfuric (loại rửa ắc quy) khi mua nước uống tại quầy hàng trước cổng trường.
Hậu quả bé bị loét dạ dày hành tá tràng mức độ 3a do ảnh hưởng của axit. Trải qua cả tháng điều trị, tình trạng bệnh nhi vẫn nặng nề do viêm phúc mạc, tiên lượng xa có thể hẹp dạ dày môn vị, không thể ăn uống bằng đường miệng.
Để phòng tránh những tác hại của hóa chất với trẻ em, đặc biệt là axit, người lớn cần phải biết cách phòng hộ và bảo quản axit, tránh những nơi dễ đổ vỡ hoặc bay mùi. Tuyệt đối không để các loại hoá chất, axit, dầu hoả... trong các vỏ chai lọ vốn đựng thực phẩm, nước uống để phòng nguy cơ uống nhầm rất nguy hiểm.