Ngày 29/8, thai phụ mang thai ở tuần 39 đau bụng, được người nhà đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh. Siêu âm trước sinh, bác sĩ đánh giá thai to trên nền mổ đẻ cũ, trọng lượng em bé lớn hơn mức bình thường, mẹ bị tiền sản giật, chỉ định phẫu thuật bắt con cấp cứu. Bé gái chào đời nặng 6,2 kg trước sự bất ngờ của mẹ và toàn bộ kíp phẫu thuật. Cân nặng của bé tương đương với một trẻ gần bốn tháng tuổi.
Bác sĩ Trần Hoàng Hưng, khoa Phụ sản, người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho biết đây là trường hợp hiếm gặp, em bé có trọng lượng lớn nhất từ trước đến nay chào đời tại viện. Ca mổ cũng gặp khó khăn do sản phụ đã mổ đẻ hai lần trước đó, sẹo mổ dính, kèm theo bệnh lý tiền sản giật.
"Thai to bất thường dẫn đến tử cung của sản phụ giãn căng quá mức trong quá trình mổ đẻ, nguy cơ băng huyết sau mổ cao", bác sĩ Hưng nói.
Hiện tại, sau một ngày theo dõi, người mẹ sức khỏe ổn định, đã ngồi dậy và đi lại được. Em bé khỏe mạnh, bú tốt, không phát hiện bất thường. Dự kiến, mẹ và bé có thể xuất viện sau 5 ngày tới.
Kỷ lục trẻ chào đời nặng cân nhất tại Việt Nam thuộc về em bé 7,1 kg ở Vĩnh Phúc, năm 2017. Một bé gái ở Gia Lai chào đời vào năm 2008 cân nặng gần 7 kg. Năm 2014, một bà mẹ ở Quảng Nam nặng 102 kg sinh con 6,5 kg.
Nghiên cứu cho thấy ba nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh có trọng lượng khác thường gồm tiền sử gia đình, người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc chế độ ăn quá nhiều dinh dưỡng. Trường hợp mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, thai thường to trên 4 kg và bé có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe nên cần được theo dõi.
Bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên chủ động khám thai định kỳ. Nếu thai vượt quá trọng lượng 3,5 kg, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người mẹ. Việc theo dõi trọng lượng thai nhi và khám đánh giá khung chậu khi thai trên 37 tuần là rất cần thiết để hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình sinh nở ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.