Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng đối với Vương Ngọc Thảo Vy (24 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi, cùng ngụ phường 12, TP Đà Lạt) về tội Hành hạ người khác.
Theo kết quả điều tra bước đầu, năm 2022 chị C.T.T. (26 tuổi, quê Đắk Lắk) đến Đà Lạt sinh sống. Vì bận đi làm xa nên ngày 26/2, chị T. gửi bé C.T.L. cho chị Cao Thị Đào (38 tuổi, lúc đó là giáo viên trường mầm non S.M, phường 9, TP Đà Lạt) trông giữ, chăm sóc với chi phí 7 triệu đồng/tháng.
Do trường tổng kết năm học, nên từ ngày 24/6, chị Đào đưa bé L. về nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 9, TP Đà Lạt) chăm sóc.
Sau đó, chị Đào sửa nhà cửa nên giao bé L. cho Vương Ngọc Thảo Vy trông giữ. Chị Đào trả cho Vy 2 triệu đồng để mua sữa, ăn uống và các chi phí khác cho cháu L.Trong thời gian này, Huỳnh Thị Thanh Hằng (em chồng của Vy) phụ giúp trông coi, chăm sóc.
Theo lời khai bước đầu của 2 bảo mẫu, do cháu L. ít tiếp xúc, ít nói chuyện với mọi người, sợ đến chỗ đông người nên Vy và Hằng nhiều lần dùng tay đánh vào người bé L. Ngày 8/7, Vy dùng chân đạp vào người khiến bé L. ngã trong nhà và phòng tắm. Những ngày sau đó, bé L. nhiều lần bị ngã đập đầu xuống nền nhà.
Đến trưa ngày 16/7, sau khi cho bé L. ăn trưa, Hằng thấy cháu ói, người lạnh, môi tím tái nên tự hô hấp nhân tạo cho cháu 3 lần. Sau đó, Hằng và Vy gọi điện cho người thân đưa cháu L. đến Bệnh viện Nhi Lâm Đồng cấp cứu.
Tại đây, qua chẩn đoán, bé gái bị chấn thương sọ não, dập phổi nên đã chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để được phẫu thuật cấp cứu.
Trong quá trình cấp cứu các bác sĩ thấy trên người bé có nhiều vết bầm tím từ đầu đến chân, bị chấn thương sọ não, tụ máu não, dập phổi… nhận định các vết thương trên người bé gái không phải do bị ngã, mà có dấu hiệu của bạo hành nên trình báo cơ quan công an.
Đánh giá sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng việc cơ quan công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam hai tháng đối với Vương Ngọc Thảo Vy (24 tuổi) và Huỳnh Thị Thanh Hằng (26 tuổi, cùng ngụ phường 12, TP Đà Lạt) về tội Hành hạ người khác có thể là bước đầu để làm rõ hành vi phạm tội.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trong quá trình điều tra, căn cứ vào kết quả giám định thương tích của cháu bé thì cơ quan điều tra có thể khởi tố bổ sung các đối tượng về tội Giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Tội Hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình một cách có hệ thống (lặp đi lặp lại nhiều lần) gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bị hành hạ.
Đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng với khung hình phạt cao nhất đến 03 năm tù. Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm.
"Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng như tội Giết người hoặc tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 123, 134 Bộ luật Hình sự", Luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích.
Như vậy, có thể thấy ngoài việc đối xử tàn ác, các đối tượng còn có hành vi trực tiếp sử dụng vũ lực, dùng chân đạp vào người gây chấn thương phù phổi và làm cháu ngã đập đầu xuống nền nhà chấn thương sọ não nặng là những vùng trọng yếu trên cơ thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Xét hành vi của các đối tượng là tàn ác, vô cớ xâm phạm đến tính mạng cháu bé đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, n, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp cháu bé không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì các đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự và quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt với hình phạt cao nhất đến 20 năm tù theo quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự.
Chuyên gia pháp lý này cho rằng, trong trường hợp, sau một quá trình điều trị mà cháu bé bị tử vong thì các đối tượng phải đối mặt với hình phạt cao nhất Tử hình là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hành vi phạm tội của 02 bảo mẫu là rất ác độc đi ngược lại các giá trị cao quý của nghề nghiệp phải luôn thương yêu, dạy dỗ trẻ. Các đối tượng đang tâm hành hạ, sử dụng bạo lực hành dã man, tàn bạo cháu bé.
Đây không phải là sự dạy dỗ cháu mà là hành vi côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng con người nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh nhất theo quy định của pháp luật trong tình hình hiện nay vấn nạn bạo lực trẻ em đang gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.