Hai tháng trước, trong phòng khám của bác sĩ Cai Huizhong, bác sĩ tâm thần của Bệnh viện thứ hai thuộc Đại học Chiết Giang, cô bé 13 tuổi Xin Xin tiết lộ với bác sĩ về kí ức đáng sợ giữa bố mẹ khiến cô bé gặp phải trở ngại tâm lý.
Bé gái gặm cụt móng tay, khiến tay rướm máu
Xin Xin là người gốc Giang Tây và bố mẹ cô bé đang kinh doanh quần áo. Ba năm trước, cha của Xin Xin mở công ty mới ở Hàng Châu. Xinxin cũng chuyển từ quê nhà ở Giang Tây đến Hàng Châu.
"Việc chuyển trường không ảnh hưởng đến kết quả học tập của con bé. Mọi kỳ thi đều đứng đầu lớp. Nhưng con bé thường hay ngồi một mình trong góc, cắn nát hết 10 đầu móng tay, cắn tới tận cả da khiến ngón tay chảy máu. Thỉnh thoảng tôi cũng nhắc nhở con gái nhưng không thể thay đổi được gì. 10 tuổi, con bé vẫn cắn móng, tôi không biết làm sao để ngăn cản con”, mẹ Xin Xin nói.
Cô bé Xin Xin có thói quen cắn cụt hết 10 đầu móng tay kể từ khi còn nhỏ.
Mẹ Xin Xin nghe nói những đứa trẻ bị thiếu kẽm hoặc các vitamin có sở thích cắn móng tay. Vì vậy, người mẹ đã đưa Xin Xin đến bệnh viện để kiểm tra nhưng kết quả vẫn bình thường. Sau đó, mẹ Xin Xin xem chương trình về bệnh tâm lý trên ti vi. Cô cảm thấy thói quen cắn móng tay của con gái có thể liên quan đến tâm lý nên đã đưa Xin Xin đến khoa tâm thần của Bệnh viện thứ hai thuộc Đại học Chiết Giang.
Ký ức tuổi thơ đáng sợ dẫn tới thói quen lạ
Khi mới đến phòng khám, Xin Xin rất im lặng. Cô bé chỉ cúi đầu và cắn ngón tay, từ chối nói chuyện. Sau đó, bác sĩ Cai Huizong tạm thời mời bố mẹ bé ra ngoài phòng khám, từ từ thuyết phục Xin Xin, cuối cùng cô bé cũng mở lòng.
“Bố mẹ cháu hay cãi nhau. Năm cháu 8 tuổi, bố mẹ cãi nhau, mẹ tức giận đến mức lấy con dao trong bếp đe dọa bố. Cháu rất sợ cứ tưởng bố và mẹ sẽ chết. Mỗi lần bố mẹ cãi nhau, cháu đều phải chứng kiến những điều tồi tệ đó”, Xin Xin tâm sự.
Chứng kiến bố mẹ nhiều lần cãi nhau đã gây ra căng thẳng tinh thần cho cô bé. (Ảnh minh họa)
Căng thẳng tinh thần lâu dài khi phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau đã khiến Xin Xin ngày càng nhạy cảm và hướng nội. Sự lo lắng về gia đình và cuộc sống ngày càng trở nên nghiêm trọng, cô bé cũng có một số triệu chứng rối loạn lo âu như khó ngủ vào ban đêm. Cách duy nhất để giúp cô bé làm dịu tâm trạng chính là cắn móng tay.
Bác sĩ Cai Huizhong nói rằng sau khi Xin Xin thấy những mâu thuẫn giữa cha mẹ, cha mẹ đã không kịp thời hướng dẫn cảm xúc cho cô bé. Nếu tính cách của trẻ nhạy cảm và sống nội tâm, sẽ dễ bị trầm cảm, cô đơn hoặc lo âu quá mức.
Rối loạn lo âu ở trẻ là gì?
Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất mơ hồ, vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống.
Nguyên nhân lo âu gồm nhiều yếu tố khác nhau, nhưng chủ yếu liên quan tới các sang chấn tâm lý kết hợp với yếu tố nhân cách có xu hướng lo âu.
Các rối loạn lo âu sau hay gặp ở trẻ em :
1. Rối loạn lo âu ám ảnh sợ
- Ám ảnh sợ đặc hiệu : sợ các tình huống rất đặc hiệu như sợ tới gần các động vật, sợ ở chỗ cao, sợ bóng tối, sợ chỗ đóng kín …
- Ám ảnh sợ khoảng trống : lo âu hoảng sợ khi ra khỏi nhà, sợ đi vào các cửa hàng, sợ đám đông và các nơi công cộng, sợ đi một mình…
- Ám ảnh sợ xã hội : sợ ăn uống ở nơi công cộng, sợ nói trước công chúng, sợ gặp người khác giới…
2. Rối loạn ám ảnh nghi thức
Như rửa tay nhiều lần, kiểm tra nhiều lần một việc, sắp xếp các đồ vật theo một cách thức nhất định, các động tác nghi thức bất thường…
3. Rối loạn lo âu chia ly
Trẻ lo lắng có điều không may sẽ xảy ra với người mà trẻ gắn bó (thường là mẹ), trẻ không chịu đi học do sợ phải chia ly với người gắn bó, không chịu ngủ một mình hoặc ở nhà một mình, xuất hiện những triệu chứng giận dữ, khóc lóc hoặc buồn rầu.
4. Rối loạn hoảng sợ (lo âu kịch phát từng giai đoạn)
Có những cơn lo âu xảy ra nhiều lần trong mỗi tháng. Trong cơn có nhiều triệu chứng rối loạn thần kinh tự trị trầm trọng.
5. Rối loạn lo âu lan toả
Người bệnh cảm thấy thường xuyên lo lắng sợ hãi về tương lai bất hạnh, căng thẳng vận động, bồn chồn run rẩy, không có khả năng thư giãn và khó tập trung chú ý.
6. Rối loạn stress sau sang chấn
Các triệu chứng điển hình thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm bị sang chấn, bao gồm : sự tái hiện những hình ảnh của sang chấn trong giấc mơ, cảm xúc thờ ơ hoặc tê liệt, né tránh các kích thích thu mình hoặc không đáp ứng với moi trường xung quanh, mất thích thú, hay bị giật mình, mất ngủ.