Chiều 18/9, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) xử trí tình huống ngàn cân treo sợi tóc cho một bệnh nhân nhi 31 tháng tuổi nhập viện điều trị nội trú từ ngày 15/9 với chẩn đoán, viêm tiểu phế quản cấp, viêm tai giữa hai bên, bệnh nhân được các bác sỹ chỉ định dùng kháng sinh amoxicilin.
Sau khi tiêm bé vẫn hoàn toàn bình thường nhưng ngay sau khi các điều dưỡng ra khỏi phòng để đi thực hiện y lệnh ở các buồng khác thì bệnh nhi có những diễn biến xấu.
Bé đột ngột tím tái, mệt lả, thấy vậy bố mẹ bé vừa ôm con chạy ra khỏi phòng vừa hoảng hốt gọi cấp cứu, đúng lúc đó điều dưỡng Nguyễn Huy Hoàng là nhân viên thuộc khoa chấn thương chỉnh hình đi ngang qua.
Tuy không phải bệnh nhân thuộc khoa của mình quản lý và cũng không kịp thăm khám nhưng qua quan sát thấy bé tím tái, khó thở… nghĩ đến tình trạng phản vệ nặng nên điều dưỡng Hoàng đã ôm bé chạy thẳng đến khoa hồi sức tích cực chỉ cách đó vài chục mét.
Tại đây bé tiếp tục có những diễn biến rất xấu, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, SPo2 tụt, huyết áp không đo được, toàn thân tím tái và rơi vào tình trạng hôn mê sâu.
Ngay lập tức các bác sỹ và điều dưỡng trực tại khoa HSTC đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện, sử dụng thuốc cấp cứu sốc phản vệ mà chủ lực vẫn là Adrenalin, các thuốc vận mạch khác, đặt nội khí quản, bóp bóng và sau đó cho bé thở máy, chuẩn bị sẵn các kịch bản cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu cấp cứu...
Mặt khác các bác sỹ HSCC và BS nhi khoa đã thiết lập hệ thống hội chẩn online với các bác sỹ HSCC của bệnh viện nhi TW để chuẩn bị cho những tình huống xấu và nặng nề hơn...
Tuy nhiên điều kỳ diệu đã một lần nữa xuất hiện, xuất phát từ sự tin tưởng hợp tác tuyệt đối của gia đình, bố, mẹ bé, cùng với sự nỗ lực tột cùng của tập thể các bác sỹ, điều dưỡng khoa HSTC, khoa Nhi bệnh viện đa khoa Hùng Vương và các bác sỹ của bệnh viện nhi TW, đặc biệt với sự hỗ trợ tối đa của hệ thống máy móc, trang thiết bị sẵn có.
Sau hơn gần 20 giờ chiến đấu không mệt mỏi, hiện tại bé đã cai máy, tự thở, đã tiếp xúc tốt và có thể tự ăn, uống...
Đây là một ca sốc phản vệ thuộc loại đặc biệt nguy kịch đã được cấp cứu kịp thời và đúng phác đồ, kết quả mà cả thầy thuốc người bệnh và gia đình thân nhân của người bệnh nhận được là những nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc.
Theo BS. Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện TƯQĐ 108, sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng, gây tử vong nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ.
Các đường đưa thuốc vào cơ thể: Tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt, đặt âm đạo…đều có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.
BS Đăng Hải cũng nhấn mạnh, các loại thuốc, nhất là các thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây sốc phản vệ. Vì vậy, sốc phản vệ là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Khoa hồi sức, tích cực, Bệnh viện TƯQĐ 108 cũng từng tiếp nhận vài trường hợp sốc phản vệ do dùng thuốc.
Trong đó có trường hợp bệnh nhân nữ 15 tuổi bị đau bụng, người nhà tự mua thuốc cloramphenicol uống. Sau 30 phút, xuất hiện sưng nề vùng mặt, ban dị ứng toàn thân, khó thở, tím tái, đau tức ngực…
Bệnh nhân được đưa vào Khoa cấp cứu - Bệnh viện TƯQĐ 108 trong tình trạng: Lơ mơ, khó thở, thở nhanh nông, nhịp tim nhanh 140l/p, huyết áp: 50/30 mmHg, xử lý theo phác đồ sốc phản vệ, tiêm adrenalin, corticoid, thở oxy.
Sau đó bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây bệnh nhân tỉnh, khó thở, phổi nhiều ran rít, ran ngáy, mạch nhanh 135 lần/phút, huyết áp: 90/60 mmHg, ban dị ứng toàn thân, tức ngực. Tiếp tục điều trị bằng adrenalin truyền tĩnh mạch liều 0,05 mcg/kg/p. Sau 10h các triệu chứng giảm, bệnh nhân đỡ khó thở, hết ran ở phổi và cắt được thuốc vận mạch. Bệnh nhân ra viện sau 2 ngày điều trị.
Theo BS Hải, có rất nhiều nguyên nhân gây ra sốc phản vệ trong đó thuốc là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng.
Đối với thuốc dễ gây phản vệ bao gồm:
Kháng sinh: Penicillin, streptomycin, ampicillin, vancomycin, amoxycillin, chloramphenicol, cephalosporin, tetracycline, cefotaxime, sulfamethoxazol + Trimethoprim, neomycin, kanamycin, erythromycin, lincomycin, polymycin B, gentamycin.
Các thuốc chống viêm không steroid: salicylat, colchicin, ibuprofen, indomethacin.
Vitamin: vitamin C tiêm tĩnh mạch là nguyên nhân gây sốc phản vệ hay gặp ở nước ta, tiếp sau là vitamin B1, vitamin B12 dạng tiêm.
Các loại dịch truyền: glucose, nutrisol, alvesin, bestamin, tryphosan.
Thuốc gây tê: procain, novocain, lidocain, thiopental.
Thuốc cản quang có iôt: visotrat.
Các hormon: insulin, ACTH, vasopressin.
Các loại vacxin, huyết thanh: vaccin phòng dại, phòng uốn ván, huyết thanh kháng bạch cầu, uốn ván.
Các thuốc có phân tử lượng thấp: dextran, gamma globulin, dịch chiết phủ tạng.
Các enzym: trypsin, chymotrypsin.
Các thuốc khác: tiemonium, chlorpromazine hydrochloride, paracetamol, paracetamol-codein.
Ngoài các loại thuốc trên dễ gây sốc phản vệ ra, BS Hải cũng chỉ ra các nguyên nhân khác. Đối với thức ăn, có nhiều loại thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật, gây sốc phản vệ như: cá thu, cá ngừ, xôi gấc, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, nhộng, dứa, khoai tây, xoài, lạc, đậu nành, chất phụ gia …
Và một nguyên nhân khác nữa cũng đã xảy ra đó là do nọc côn trùng. Cụ thể sốc phản vệ xảy ra do ong đốt, rắn, nhện, bọ cạp cắn.