Chị Đỗ Thị Phương (Hà Đông, Hà Nội) vì quá bận nên không có thời gian quan tâm tới hai con, chủ yếu ở nhà với ông bà, con học hành đều do ông bà lo. Sáng chị Phương đi làm từ 7h, tối nhá nhem mới về nhà nên ít quan sát những thay đổi của con.
Gần đây, con gái luôn tìm cách xung đột với chị. Nếu chị nói con nhanh chóng cãi lại hoặc tìm mọi cách để cuộc trò chuyện trở thành xung đột.
Chị Phương muốn con học thêm thi vào lớp 6 trường điểm hay đọc những cuốn sách dành cho trẻ em thì con gái chị làm ngược lại. Bé thích tìm hiểu sách báo, tập san, âm nhạc, thời trang… chị Phương cho rằng đó là của người lớn. Chị thấy con luôn chống đối lại mình, có những ngày hai mẹ con không nói được với nhau câu nào.
Trường hợp của Nguyễn Ngọc Hà (học sinh lớp 8 ở Long Biên, Hà Nội) cũng tương tự. Ba mẹ luôn cho rằng Hà là đứa trẻ hư, cãi lại cha mẹ.
Nhưng khi tìm tới bác sĩ tâm lý Hà tâm sự rằng ba mẹ cô lại thích “can thiệp quá sâu” vào học hành, cuộc sống của Hà.
Mẹ của Hà liên tục nói sau này con phải thi chuyên ngoại ngữ rồi ăn mặc thế này, thế kia. Thậm chí, kiểu tóc, dáng đi của Hà cũng được mẹ cô bé lập trình sẵn. Hà không thích điều đó nên thường chống đối với cha mẹ.
Cô bé thấy ba mẹ thường áp đặt suy nghĩ của người lớn vào mình, từ chuyện học hành, bạn bè đến những chuyện vặt trong gia đình hàng ngày.
Một trong những câu mẹ bé thường nói là "mẹ chưa nói xong con đã cãi xong", nhưng bản thân Hà nhận ra mình cũng có nhu cầu được nói ra suy nghĩ của bản thân.
Cứ như vậy, gia đình lúc nào cũng “náo loạn” chỉ vì xung đột của con tuổi dậy thì với cha mẹ.
Theo Thạc sĩ Mai Thị Nguyệt – Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, bắt đầu từ 10 tuổi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi vượt bậc của trẻ nhỏ cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở độ tuổi này, trẻ vẫn rất cần sự hỗ trợ và bảo vệ của cha mẹ.
Khi trẻ dậy thì sẽ có nhiều thay đổi không chỉ là ngoại hình, thể chất, vóc dáng, giọng nói, da... gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ.