Vào 4 giờ sáng nay (31/10), tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong những ngày tới, do tương tác với không khí lạnh trên Biển Đông và hai khối khí áp cao cận nhiệt đới nên bão số 7 còn diễn biến phức tạp.
Kịch bản có khả năng cao nhất hiện nay là bão sẽ tiếp tục mạnh lên, có thể đạt cường độ cấp 11, giật cấp 13 trong hôm nay và ngày mai. Sau đó, do tương tác với không khí lạnh, bão suy dần thành một áp thấp nhiệt đới khi đến đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Với kịch bản này, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h. Đến 4 giờ sáng 1/11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông Đông Bắc với cường độ cấp 10-11, giật cấp 13.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng, chủ yếu di chuyển theo Bắc với tốc độ rất chậm, khoảng 5-10km/h. Đến 4 giờ sáng 2/11, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Bắc với cường độ cấp 10-11, giật cấp 13.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km với cường độ mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Từ 96 đến 120 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do tác động của bão số 7, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, sóng biển cao 6-8m, vùng gần tâm bão 9-11m, biển động dữ dội.
Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Bão số 7 hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở khu vực biển Tây Bắc Thái Bình Dương, mạnh lên thành bão vào 27/10, sau đó di chuyển vào biển Đông trong sáng sớm nay. Đây tiếp tục là một cơn bão có diễn biến phức tạp, khó lường trên biển Đông năm nay.
Dự báo xa hơn cho thấy, từ nay đến tháng 4/2023, trên khu vực biển Đông có thể xuất hiện khoảng từ 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, những năm La Nina tác động cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, dị thường, không loại trừ khả năng tháng 1/2023 vẫn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông. Dự báo tình hình mưa lớn diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm ở các tỉnh miền Trung.