Nguyên nhân thảm họa Halloween ở Hàn Quốc là đám đông trong trạng thái kích động mạnh dẫn đến hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau.
Điều đáng nói đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này, trước đó nhiều vụ giẫm đạp lên nhau tại các đám đông gây ra thương vong cho nhiều người.
Cụ thể, tại Nepal năm 1988, một trận mưa lớn bất ngờ khiến các cổ động viên bóng đã vội vã chạy về phía cửa ra của sân vận động khiến 93 người thiệt mạng sau khi đám đông chen lấn nhau.
Tại một hộp đêm ở Chicago năm 2003, tình trạng chen lấn đám đông đã xảy ra sau khi lực lượng an ninh dùng hơi cay để giải tán một vụ đánh nhau. 21 người đã thiệt mạng trong vụ việc trên.
Năm 2010, có ít nhất 349 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại lễ hội nước ở Phnom Penh, Campuchia. Đám đông người tham dự lễ hội chen lấn, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau thoát ra ngoài sau khi có tin cây cầu hẹp nối thành phố với một hòn đảo nhỏ nơi diễn ra lễ hội bị yếu và có nguy cơ sập...
Một thảm họa khác xảy ra vào năm 2015, làm 800 người chết và nhiều người bị thương khi các tín đồ Hồi giáo chen nhau vào viếng hòn đá thiêng Kaaba ở Mecca...
Và mới đầu tháng 10/2022 này, tại Indonesia, 133 người đã thiệt mạng khi lực lượng an ninh dùng hơi cay nhằm giải tán các cổ động viên quá khích tràn vào sân cỏ sau trận bóng, dẫn tới tình trạng dẫm đạp lên nhau tại các cửa ra.
Do đó, khi đứng giữa một đám đông hoảng loạn bạn cần phải biết cách để bảo toàn tính mạng, bạn cần phải có sự chuẩn bị và nằm lòng một số phương pháp cơ bản.
3 nguyên nhân chính dẫn đến tử vong trong các vụ giẫm đạp
Các khảo sát về nguyên nhân tử vong của những nạn nhân trong những vụ đám đông hoảng loạn cho thấy có 3 nguyên nhân chính sau đây:
- Chết vì ngạt thở (đây là nguyên nhân hàng đầu).
- Chết vì bị chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau).
- Chết vì bị giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm đạp lên người).
Cũng theo khảo sát, nạn nhân thường chết vì hậu quả của sự sợ hãi, chứ ít người chết vì nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi.
Cách sống sót trong đám đông hoảng loạn
Bình tĩnh, kiểm soát sự sợ hãi
Nguyên tắc đầu tiên để có thể tự cứu mình trong những hoàn cảnh tương tự: Đó là kiểm soát sự sợ hãi (vì nghĩ mình sẽ chết bởi sự cố trong sự kiện). Bạn nên nhớ rằng, nhà chức trách luôn chuẩn bị sẵn các phương án và phương tiện để đối phó với sự cố không mong muốn xảy ra trong một sự kiện. Đó là yêu cầu bắt buộc trong công tác chuẩn bị tổ chức một sự kiện có đông người tham gia.
Tìm chỗ trốn
Nếu mối nguy chỉ đến từ đám đông (trừ lũ lụt, hỏa hoạn...), hãy tìm một nơi có thể trú tạm vào đó. Chui vào nhà hoặc tủ quần áo, nếu ở ngoài, hãy tìm cách leo lên cây, nóc xe hoặc bất cứ thứ gì cao lớn để trèo lên, tự bảo vệ mình khỏi sức càn quét của đám đông.
Tiếp tục di chuyển
Nếu không thể tìm được chỗ trốn tạm thời, hãy tiếp tục di chuyển. Bạn thì không nên chống lại, không cố gắng đi ngược chiều, không đứng im hoặc ngồi xuống, bởi như thế sẽ bị xô ngã và bị giẫm đạp. Chỉ cần vấp ngã giữa cơn hỗn loạn, tính mạng của bạn sẽ bị đe dọa.
Nếu bị ngã, cần nhanh chóng đứng dậy, không thể đứng dậy được thì di chuyển bằng cách bò cùng hướng với đám đông. Điều đó cũng không làm được thì hãy nằm cuộn tròn người lại theo tư thế thai nhi.
Để tay trước ngực
Bị rơi vào giữa đám đông thì việc cần làm của bạn ngay lúc này là để tay trước ngực giống như một võ sĩ quyền anh để bảo vệ ngực và dễ dàng di chuyển hơn.
Tránh những điểm chết
Điểm chết là những khoảng trống hạn chế "dòng chảy" của đám đông. Ví dụ đơn giản như lối vào, hành lang hẹp, cầu thang bộ... Dù được tạo ra để thoát hiểm, các lối thoát thân khẩn cấp cũng dễ dàng trở thành điểm chết nếu hàng chục, hàng trăm người cùng lúc đi vào gây tắc nghẽn. Đây là lý do phổ biến gây ra tử vong trong những đám cháy có báo động, đừng cố gắng chen lấn vào những lối thoát đã chật cứng người.
Cách di chuyển
Về cơ bản, con người là loài động vật bản năng và làm theo thói quen hoặc đám đông. Trong mọi cuộc hỗn loạn, gần như tất cả sẽ cố gắng thoát thân qua lối mà họ đã đi vào. Cách di chuyển là theo đường chéo và luôn luôn có khoảng không gian mở giữa người với người nên phải chớp thời cơ, tận dụng để di chuyển sang bên, dần tiến ra ngoại vi.
Nếu bạn chắc chắn đang kẹt cứng trong một đám đông, đừng cố gắng đi ngược lại dòng người. Điều này làm bạn mất sức và sẽ dễ bị tấn công bởi người khác và bạn sẽ bị ngã. Nếu bạn bị ngã trong một đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì khả năng tử vong rất lớn.
Tốt nhất bạn hãy di chuyển cùng dòng người, hãy để lực của người khác đưa bạn đi, bạn đừng cố gắng cắt ngang hoặc đi ngược lại. Di chuyển ngang cùng dòng người và quan sát xung quanh tìm cơ hội thoát hiểm.
Cuối cùng, hãy ghi nhớ rằng chỉ có một cách duy nhất giúp bạn thoát khỏi thảm họa, đó là bình tĩnh. Hãy bình tĩnh để phán đoán và hành động chính xác nhất.