Bão số 6 gây ảnh hưởng cho 7 tỉnh
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) và UB Quốc gia Ứng phó với sự cố Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sáng nay tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh/thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận, triển khai công tác ứng phó với bão số 6. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 6 chịu tác động của nhiều hình thế chi phối, trên hệ thống 4 cơn bão đang cùng nhau hoạt động, vì vậy có sự tương tác dẫn đến diễn biến rất phức tạp, di chuyển dị thường.
"Bão số 6 hình thành và đợt này nằm vào cuối mùa bão sẽ có tương tác với gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc dẫn tới hướng đi và cường độ thay đổi khá nhanh. Ít khi có cơn bão nào di chuyển từ phía Tây sang Đông như cơn bão này", ông Khiêm nói.
Cũng theo ông Khiêm, hiện bão đang có xu hướng tăng dần tốc độ và đi về phía Tây, trên biển có thể giật cấp 12- 15, vào bờ giảm xuống cấp 9 - 10 và giật cấp 12-13.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo ứng phó bão số 6 sáng 8/11. Ảnh: Dân Việt
Ông Khiêm cũng nhận định, khi bão đổ bộ sẽ gây sóng cao 7-8m ở ngoài khơi, ven bờ 4-6m, nước biển dâng kết hợp triều cường 2-3m. Đối với khu vực trung tâm Bình Định - Phú Yên (dự kiến bão đổ bộ) sóng cao đạt 5-6m, sâu trong cảng Quy Nhơn sóng 3-4m, Phú Yên 4-5m.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh nên gây ra mưa to đến rất to từ chiều ngày 9 -12/11 với tổng lượng mưa 200-400mm, tập trung tại khu vực Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây Nguyên.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thông tin, cần chú ý vì cơn bão này có diễn biến hết sức phức tạp, nằm trên dải hội tụ nhiệt đới, dị thường vì đi từ Tây sang Đông rồi ngược lại là điều rất hiếm, khiến các trung tâm dự báo lớn trên thế giới đều có sự khác nhau.
Ông Cường cho biết, cơn bão này gió rất lớn, sóng cao, phạm vi ảnh hưởng lớn (ít nhất là 7 tỉnh trọng điểm) tác động toàn bộ tuyến bờ, hoàn lưu rất rộng gây mưa to gió lớn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Do bão có vùng ảnh hưởng rất rộng, đề nghị các địa phương căn cứ tình hình thực tế để chủ động cấm biển, sơ tán dân và đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển và người dân.
Kiên quyết cưỡng chế, đưa người dân từ khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn, nhất là cửa sông, ven biển, trên lồng bè, chòi canh,...chủ động cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ du lịch, các công trình xây dựng nhất là hồ đập.
Sau bão sẽ có hoàn lưu bão, mưa lớn do điều kiện vùng này các sông suối độ dốc rất lớn vì vậy cần hết sức chú ý đến lũ quét, sạt lở đất".
Bão tăng tốc, giật cấp 15 hướng vào Nam Trung Bộ
Theo Trung tâm dự bảo khí tượng Thủy văn, hồi 10h sáng nay (8/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 116,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 270km về phía Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Sơ đồ dự báo hướng đi bão số 6 trưa 8/11 - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: Phía Bắc vĩ tuyến 11,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 10h ngày 10/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, giật cấp 12, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tiếp đó là một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc Campuchia.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-12, giật cấp 15. Sóng biển cao từ 7-8m; biển động dữ dội. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh.