Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích các bà mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 24 tháng và ăn dặm từ tháng thứ 6.
Thời gian nghỉ hậu sản của các mẹ là 6 tháng nên chị em có thể cho con bú hoàn toàn trong khoảng thời gian này. Sau khi đi làm lại, các bà mẹ vẫn có thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ nếu có sự chuẩn bị chu đáo. Điều quan trọng hàng đàu là chị em cần biết bảo quản đúng cách nguồn sữa này.
Cách bảo quản sữa mẹ khi đi làm
Theo bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, việc cho con bú trực tiếp luôn luôn tốt hơn vì bé sẽ nhận được nguồn dinh dưỡng trực tiếp từ mẹ, mối liên kết giữa mẹ và bé cũng gắn bó hơn. Cho bé bú sữa và vắt sữa liên tục sẽ giúp cơ thể mẹ tiết ra đủ sữa, không cần trữ sữa quá nhiều.
Nếu mẹ biết vắt và dự trữ nguồn sữa mẹ đúng cách, lượng kháng thể IgA trong sữa mẹ sẽ được bảo tồn. Tuy nhiên, các tế bào miễn dịch khác sẽ bị suy giảm.
Đến thời điểm đi làm, chị em cần vắt sạch sữa đều đặn sau mỗi 3 giờ nhằm giúp sữa tiết ra đều đặn kết hợp bảo quản sữa mẹ đúng cách trước khi mang về nhà. Nguồn sữa này mẹ chỉ nên cho bé bú khi mẹ vắng nhà. Khi mẹ ở nhà, hãy cho trẻ sơ sinh bú trực tiếp.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương cho biết, khi vắt sữa, mẹ nên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước sạch, núm vú rửa bằng nước mát. Dùng máy vắt sữa hoặc tay vắt sữa rồi cho vào dụng cụ sạch. Mẹ nên dùng các túi trữ sữa chuyên dụng để đảm bảo an toàn chất lượng cho nguồn sữa vắt ra.
Tiếp đến, kéo khóa chặt túi và cho ngay vào tủ lạnh. Thời gian lưu trữ sữa mẹ tối đa ở nhiệt độ phòng là khoảng 3 giờ. Nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc ngăn đá ở 4 độ C, sữa mẹ sẽ có thể dùng được trong 3 ngày. Trường hợp bảo quản sữa mẹ sau khi đi làm ở nhiệt độ 0 độ C trong ngăn đông tủ lạnh, thời gian bảo quản có thể lên đến 3 tháng.
Khi đi làm, mẹ hãy nhờ người thân cho bé sử dụng sữa mẹ vắt đã được bảo quản cẩn thận. Sữa nên để rã đông ở nhiệt độ phòng rồi ủ ấm trong chậu nước ấm. Tuyệt đối không dùng lò vi sóng, không đun nấu sữa. Sữa đạt 37 độ C thì lắc đều cho bé ăn. Nếu không sử dụng sữa mẹ ngay, phải cho sữa đã làm ấm lại vào ngăn mát và bỏ đi khi không cho bé bú trong khoảng 24 giờ.
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương lưu ý lượng sữa mẹ quá dư thừa, bảo quản trong thời gian dài mẹ có thể uống lại. Không nên cho sữa thừa cho những trẻ khác ăn khi chưa xét nghiệm tầm soát các bệnh có thể lây nhiễm qua sữa mẹ như viêm gan siêu vi B, giang mai…
Quan trọng hơn, các bà mẹ khi đi làm cần chú ý nên giữ tâm lý nhẹ nhàng, tránh căng thẳng để không làm giảm nguồn sữa mẹ cho bé.