Cho cháu xem tivi, ipad vì sợ bẩn
Bé Ken là cháu trai chị Minh Trang (ở TP Thủ Đức), hiện học lớp 1 tại một trường tiểu học gần nhà. Chị cho biết, dù bé có vẻ ngoài nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng việc học chữ, số lại chậm nên gia đình thường xuyên nghe cô giáo phàn nàn. “Bây giờ, cháu có thể nghe, nói, viết và đọc được chữ đã là một kỳ tích với gia đình tôi”, chị Trang chia sẻ.
Chị Trang kể, bé Ken là cháu đích tôn nên rất được ông bà nội, bố mẹ và cô chú trong nhà cưng chiều. Vì sợ cháu bị côn trùng cắn, nhiễm giun sán và chơi bẩn sẽ bị bệnh, ông bà nội không cho cháu ra khỏi nhà, khi có dịp ra ngoài thì bao bọc thật kỹ. Cũng vì điều này, Ken không đi học mẫu giáo mà ở nhà với ông bà.
Từ khi hơn 1 tuổi bé Ken đã được xem tivi, ipad. Ảnh minh họa.
Để cháu nội không nghịch phá hay phải đối diện với các nguy hiểm rình rập khi chạy ra ngoài chơi, ông bà nội đã mua tivi đời mới, ipad cho cháu xem từ khi bé hơn 1 tuổi. Phần khác, vì muốn con trai được tiếp xúc với ngoại ngữ sớm, bố mẹ bé Ken chỉ cho con xem các video, chơi game… bằng tiếng Anh. “Từ khi 2 tuổi, thằng bé nói gì cũng bằng tiếng Anh, ông bà nội nói tiếng Việt phải có bố mẹ bé dịch lại”, chị Trang chia sẻ.
Sự bất đồng ngôn ngữ của Ken bắt đầu thể hiện rõ hơn khi bé đi học lớp tiền tiểu học để chuẩn bị vào học lớp 1. Ở lớp, cô giáo và các bạn nói bằng tiếng Việt nên con không hiểu, học không tiếp thu. Không chỉ vậy, Ken còn rụt rè, nhút nhát, lúc nào cũng muốn chơi một mình. Cũng vì vậy, cháu như bị “cô lập” ở lớp.
Nghi ngờ học sinh có vấn đề về ngôn ngữ, cô giáo khuyên gia đình chị Trang nên đưa Ken đi khám. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bé Ken được chẩn đoán mắc rối loạn ngôn ngữ do sử dụng nhiều tivi, điện thoại và ipad. Các bác sĩ khuyến cáo, gia đình cần giúp bé tránh tiếp xúc với các thiết bị điện tử, hạn chế xem các chương trình bằng tiếng Anh và giúp bé làm quen với các đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và mong muốn của trẻ bằng giao tiếp trực tiếp với người thân nhiều hơn.
Ngoài ra, bé Ken cũng được điều trị tâm lý và trị liệu ngữ điệu để dần điều chỉnh lại ngôn ngữ trong suốt hơn 1 năm. “Cũng may, khi bắt đầu bước vào năm học lớp 1, cháu tôi đọc được bảng chữ cái, chữ số, nghe và nói được một chút tiếng Việt”, chị Trang chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Nay Ngân đang khám cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Ảnh: BVCC.
Trẻ dùng thiết bị điện tử nhiều dễ mắc rối loạn ngôn ngữ
BS.CKI Nguyễn Nay Ngân, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, cho biết, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là một rối loạn về giao tiếp, nghe, đọc và hiểu về ngôn ngữ. Dấu hiệu là trẻ thường nói một mình, phát âm vô nghĩa, nói nhại lời, nói lộn xộn…
Theo bác sĩ Ngân, rối loạn này được chia thành 2 loại gồm rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ hoặc rối loạn về phát âm. Khi trẻ bị rối loạn tiếp nhận ngôn ngữ, sẽ có dấu hiệu chậm hiểu lời nói của mọi người. Còn trẻ bị rối loạn về vấn đề phát âm sẽ khó bày tỏ những câu nói, suy nghĩ thông thường theo độ tuổi.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), rối loạn ngôn ngữ là khuyết tật phổ biến nhất ở thời thơ ấu, xảy ra với khoảng 5-10% số trẻ em. Khi trẻ bị bệnh này sẽ có nhiều nguy cơ gặp khó khăn với ngôn ngữ đọc và viết khi đi học. Việc can thiệp sớm có thể giúp trẻ giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng trong việc học tập và phát triển sau này.
Bác sĩ Ngân cho biết, nguyên nhân của những triệu chứng này thông thường do trẻ gặp một số vấn đề trong quá trình phát triển như rối loạn tăng động giảm chú ý, tự kỷ, nhiễm trùng viêm tai mạn tính hay rối loạn về thể chất và tinh thần.
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học và giao tiếp hằng ngày. Ảnh minh họa.
Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, một nguyên nhân khác khiến trẻ dễ gặp tình trạng trên là do hiện nay nhiều phụ huynh vì bận rộn thường dùng Ipad hoặc tivi để trông con. Đến trường, nhiều giáo viên lại tiếp tục cho trẻ xem tivi thay vì để trẻ tham gia các chương trình vận động, sinh hoạt cùng bạn bè để phát triển kỹ năng xã hội.
“Xem các nội dung trên thiết bị điện tử là mô hình tương tác một chiều. Nếu trẻ tập trung vào sẽ không có cơ hội nhận được các kích thích tương tác, giao tiếp như khi vui chơi cùng ba mẹ, bạn bè.
Bên cạnh đó, việc trẻ đọc sách, báo, truyện phù hợp lứa tuổi sẽ giúp các em có không gian phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo của mình. Ngược lại, khi xem các nội dung trên tivi, ipad, các hình ảnh được thể hiện sống động, đầy đủ nên không còn không gian cho trí tưởng tượng của trẻ em. Vì thế, việc cho trẻ em xem quá nhiều các thiết bị điện tử từ lâu đã được xem là yếu tố nguy cơ cho việc trẻ chậm nói trong quá trình phát triển”, chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện nhấn mạnh.
Theo các bác sĩ, nếu trẻ chậm nói, nói ngọng, nói lắp mà cha mẹ không khuyến khích giao tiếp, trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng thu mình, thụ động, thiếu tự tin, kém hòa nhập. Để hạn chế tối đa rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em, gia đình phải tránh hoặc hạn chế việc cho trẻ 0 - 3 tuổi tiếp xúc với tivi, máy tính, máy chơi game, điện thoại... vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu xây dựng những cơ sở về khả năng ngôn ngữ của mình.
Cần tăng cường cho trẻ giao tiếp trực tiếp để hướng dẫn các em làm quen với những đồ vật, hành động, cử chỉ liên quan đến các yêu cầu và ước muốn của trẻ. Cho trẻ tham gia vào các trò chơi, các bài học để hướng dẫn uốn nắn cho trẻ nghe, nói chuẩn lời nói, từ ngữ... giúp trẻ phát triển khả năng nghe, nói, sử dụng ngôn ngữ đúng…
Khi phát hiện con có các dấu hiệu về rối loạn ngôn ngữ, cha mẹ cần đưa đi khám chuyên khoa để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường nhằm có những can thiệp sớm, giúp trẻ dễ dàng bắt nhịp với cuộc sống mới hơn.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.