Bánh nậm có cả loại chay và mặn. Với bánh nậm chay, nhân chỉ có đậu xanh, được làm cho ngày rằm, mồng một âm lịch. Bánh mặn nhân tôm, thịt băm nhuyễn, rất dễ ăn. Tùy khẩu vị, có người cho cả nhân tôm, thịt, có người chỉ cho một loại tôm hoặc thịt.
Dưới đây là công thức làm bánh nậm nhân tôm mà chị Đoàn Thu Thủy, người lọt vào Top ba cuộc thi Master Chef Việt Nam 2014 hay làm cho gia đình và người thân thưởng thức.
Nguyên liệu
Phần vỏ bánh: 400 g bột gạo, 50 g bột năng, 7 chén nước lạnh (mỗi chén 220 ml), 1 muỗng cà phê dầu ăn, 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muống cà phê hạt nêm.
Phần nhân: 500 g tôm sú, 1/2 muỗng cà phê muối,1/2 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê dầu ăn, hành lá, hành tím, tiêu, màu điều.
Lá gói: Lá dong
Nước chấm: Nước mắm, đường, ớt, nước lọc.
Cách làm
Phần bánh: Hòa tan cả bột gạo và bột năng vào nước lã, sau đó nêm gia vị, rồi bắc lên bếp, mở lửa nhỏ, quấy đều tay liên tục. Đến khi bột hơi đặc lại thì quấy nhanh và nhắc xuống quấy cho bột mịn và không bị chín dưới đáy nồi.
Phần nhân: Tôm sú hấp chín, bóc vỏ rồi băm nhuyễn. Hành tím bóc vỏ, băm nhỏ, phi trong dầu ăn, đến khi hành bốc mùi thơm thì bỏ tôm vào xào. Nêm gia vị và chút màu điều cho đẹp. Xào lửa nhỏ cho nhân khô bung lên thì nêm hành lá cắt nhuyễn.
Khi phần nguyên liệu làm vỏ và nhân tôm đã hoàn thành, bắt đầu công đoạn gói bánh. Múc một muỗng bột lên lá, dàn ra rồi rải nhân tôm lên mặt, gấp hai mép lá và hai đầu lá lại, dùng tay miết cho bột dàn đều. Đem hấp trên nồi nước đang sôi trong 20 phút, để lửa vừa.
Cách ăn bánh nậm đúng kiểu truyền thống là lột vỏ bánh ra, trải lên đĩa. Nên để nguyên lá gói, mùi của lá sẽ giúp món ăn thêm thơm ngon. Múc nước mắm ớt pha loãng, hơi ngọt tưới đều lên bánh, lấy thìa tre lóc ra, gấp thành miếng vuông vức. Khi đưa miếng bánh vào miệng, nhớ đừng nhai vội để có thể thưởng thức cảm giác bột gạo tan đều ra, thấm sâu, béo ngậy.
Bánh nậm làm món ăn sáng hay thức ăn vặt đều rất hợp.