Tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu đi quá cao gây ra tăng huyết áp. Khi bị tăng huyết áp, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam. Bạn có thể bị cao huyết áp trong thời gian dài mà không có triệu chứng cho đến khi tình trạng nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng.
Khi bị tăng huyết áp thường xuyên, bạn nên đi khám bác sĩ để có những chuẩn đoán chính xác và chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen hàng ngày để hỗ trợ tích cực cho việc điều trị tăng huyết áp.
Giảm muối trong chế độ ăn uống
Hàm lượng muối quá nhiều trong bữa các món ăn hàng ngày là nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị tăng huyết áp. Do đó, để có chỉ số huyết áp ổn định, nên cắt giảm muối.
Đặc biệt, những người có tiền sử tăng huyết áp, mắc các bệnh tim mạch càng phải giảm lượng muối. Nếu bị tăng huyết áp, chỉ cần giảm một chút muối trong bữa ăn đã có thể cải thiện sức khỏe của quả tim, giảm huyết áp từ 5 đến 6 mm Hg.
Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật, khoa Hồi sức tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức khuyên: "Bạn nên hạn chế nêm nếm quá nhiều muối. Lượng muối tốt nhất cho người bị bệnh tim mạch là 1/4 muỗng cà phê cho mỗi bữa ăn. Đồng thời, trong quá trình ăn uống, không nên chấm thêm các loại mắm.
Bên cạnh đó, nên hạn chế ăn thực phẩm đóng gói, các món chế biến sẵn để không làm tình hình sức khỏe xấu đi".
Hạn chế uống rượu
Hạn chế uống rượu và bỏ thuốc lá là việc tiên quyết phải làm để bảo đảm có sức khỏe tốt.
Nguyên nhân là rượu không chỉ ảnh hưởng tới huyết áp mà còn gây hậu quả xấu cho các cơ quan khác như: Thủng dạ dày, xơ gan,... Thói quen uống rượu hằng ngày dễ dẫn đến nghiện rượu, tác động và phá hủy tế bào thần kinh, gây ung thư gan.
"Người bình thường, uống một ít rượu có thể tốt, giúp tăng cường hoạt động tiêu hóa, tinh thần sảng khoái. Tuy nhiên, uống quá nhiều sẽ dẫn đến nghiện, lâu dần sẽ phá hủy hệ thần kinh, dễ mắc các bệnh về gan, thận. Với người bị các bệnh tim mạch, rượu sẽ làm tăng huyết áp đột ngột, kích thích nhịp đập của tim, điều này rất nguy hiểm" - Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật chia sẻ.
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm phổi. Nhiều nghiên cứu còn cho thấy khi hút thuốc lá, huyết áp sẽ bị tăng.
Ở những người khỏe mạnh, tình trạng này xảy ra ở mức độ nhẹ, huyết áp tăng không đáng kể. Tuy nhiên, càng lớn tuổi, sức đề kháng của cơ thể yếu cùng sự suy giảm chức năng của một số cơ quan như: Tim mạch, thận, phổi,... sẽ gây ra tình trạng tăng huyết áp ở mức trầm trọng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng.
Bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ giúp bạn giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cải thiện sức khỏe nói chung.
Tập thể dục làm giảm huyết áp
Một trong những tác dụng thường thấy của luyện tập thể dục là cải thiện tình trạng tăng huyết áp. Các bác sĩ khuyên bạn nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Với cách đơn giản này, những người bị tăng huyết áp có thể giảm từ 5 đến 8 mm Hg.
Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật khuyên: "Tùy vào thể trạng và tình hình sức khỏe sẽ có chế độ tập khác nhau. Tốt nhất, nên tập những động tác nhẹ nhàng, tránh đối kháng.
Người bị tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch nên tập các động tác nhẹ nhàng như: Đi bộ, đạp xe,... và không nên tập quá lâu. Duy trì việc tập luyện hàng ngày sẽ giúp bạn cải thiện chỉ số huyết áp, sức khỏe tim mạch".
Giảm căng thẳng sẽ làm giảm huyết áp
Tăng huyết áp có nguyên nhân từ chế độ ăn uống không hợp lý, luyện tập quá sức, thói quen sinh hoạt không điều độ. Bên cạnh đó, căng thẳng cũng là lý do gây ra tình trạng này.
Nhiều nghiên cứu cho thấy căng thẳng kéo dài có thể khiến bạn mắc bệnh tăng huyết áp. Đặc biệt, nếu bạn có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, tim mạch,... thì stress sẽ làm tình trạng sức khỏe thêm trầm trọng hơn.
Do đó, để giảm huyết áp, bạn nên loại bỏ căng thẳng ra khỏi cuộc sống hàng ngày. Nên dành thời gian cho các hoạt động yêu thích, thư giãn, thở sâu mỗi ngày để có tinh thần tốt, ngăn ngừa và cải thiện cao huyết áp.