Bụng bầu tụt xuống thấp
Đây là dấu hiệu cho mẹ biết bé sẽ chào đời trong khoảng 1-2 tuần tới. Mẹ có thể quan sát ngực xem có còn chạm vào phần trên bụng để biết bụng bầu đã tụt hay chưa. Nếu ngực không chạm được vào phần trên bụng nữa, chắc chắn bé của mẹ đã tụt sâu xuống dưới. Nhiều mẹ bầu còn cảm nhận rõ đầu bé đã lọt xuống khung xương chậu và sau đó vài ngày, bé con sẽ chào đời.
Đi tiểu thường xuyên hơn
Khoảng 2 tuần trước sinh, do đầu của thai nhi đã nằm sát bàng quang nên mẹ sẽ thường xuyên cảm thấy buồn tiểu và có thể đi tiểu nhiều lần trong 1 giờ. Mẹ bầu đừng cố gắng nhịn tiểu vì sẽ gây hại cho cả bé và mẹ.
Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn
Khi sắp sinh, các mẹ sẽ cảm thấy mình bị chuột rút, đau hai bên háng và phần lưng nhiều hơn, đặc biệt nếu đây là lần đầu mẹ sinh con. Lúc này, các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng ra để chuẩn bị cho bé ra đời.
Bụng có cơn gò
Theo TS. BS Bùi Chí Thương (Đại học Y dược TP.HCM), hiện tượng thai nhi gò cứng bụng thường xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ, tuy nhiên một số mẹ bầu cũng có dấu hiệu thai nhi gò cứng bụng ngay từ tháng thứ 6, thứ 7.
Cảm giác gò cứng bụng là do các cơ tử cung gò cứng hoặc cuộn lại khiến bụng mẹ bầu có cảm giác căng tức trong khoảng 30-60 giây, mỗi ngày có thể xuất hiện vài lần hoặc vài ngày mới có.
Sản khoa gọi dấu hiệu này là cơn co chuyển dạ Braxton Hicks – chuyển dạ giả vì nó không làm giãn mở cổ tử cung, không khiến mẹ bầu có cảm giác đau đớn.
Khi có cơn gò sinh lý, mẹ bầu chỉ cần thay đổi tư thế nằm, ngồi hoặc nghỉ ngơi sẽ hết. Các cơn gò này xuất hiện với tần suất không đều. Còn cơn gò chuyển dạ sẽ khiến mẹ bầu vô cùng đau đớn, có cảm giác xé ruột, cơn đau diễn ra từng nhịp; nếu đi kèm với dấu hiệu vỡ ối, ra máu báo thì chứng tỏ em bé sẽ ra gặp mẹ trong ít giờ chứ không còn bao lâu.
Máu báo
Thông thường, vào vài ngày trước khi sinh, mẹ sẽ thấy âm đạo tiết dịch nhiều hơn và có thể đặc hơn một chút. Nguyên nhân là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm, sẽ bong ra trong tử cung.
Nút nhầy là một miếng lớn hoặc nhỏ trông sền sệt, màu vàng nhạt như lòng trắng trứng. Một số trường hợp nút nhầy bong ra sẽ lẫn một chút máu. Dấu hiệu sắp sinh này được gọi là “máu báo sắp sinh” và nó là một tín hiệu tốt cho cuộc vượt cạn sắp bắt đầu.
Tuy nhiên, nếu những cơn co thắt chưa diễn ra hay tử cung chưa nở được 3-4 cm, mẹ có thể phải chờ thêm một vài ngày nữa. Ra nhớt hồng là một dấu hiệu chuyển dạ quan trọng, mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.
Vỡ nước ối
Theo bác sĩ Bùi Thị Yên, khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình, đây chính là dấu hiệu chuyển dạ cuối cùng báo hiệu mẹ sắp sinh. Tuy nhiên, mẹ đừng quá sợ hãi rằng em bé sẽ "chui ra" ngay lập tức.
Hầu hết mẹ bầu sẽ mất vài giờ kể từ khi vỡ nước ối đến lúc sinh. Các mẹ hãy đóng bỉm, hạn chế đi lại và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để dược thăm khám. Bởi trong một số trường hợp thai nhi sẽ gặp nguy hiểm nếu như sa dây rau, sa chi…
Để bảo đảm an toàn cho mẹ và bé, mẹ nên cố gắng nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ theo chỉ dẫn của bác sĩ vào những lần khám thai cuối để nhập viện trước khi vỡ nước ối. Khi đó, mẹ sẽ được các bác sĩ, nữ hộ sinh theo dõi cẩn thận và chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho bé yêu ra đời, bảo vệ tối ưu sức khỏe của mẹ và bé.