Đuối nước (hay chết đuối) là những trường hợp tử vong vì ngạt nước do cơ thể hoặc mặt bệnh nhân bị chìm trong nước.
Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ lao động Thương binh - Xã hội, tỉ lệ trẻ em gặp đuối nước ở Việt Nam là cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Tính từ đầu năm 2019, có rất nhiều vụ đuối nước liên tiếp xảy ra khiến nhiều trẻ em thiệt mạng.
Việc sơ cứu ban đầu đúng và kịp thời đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu tỷ lệ di chứng cho trẻ.
1. Nguyên tắc khi xử lý khi bị đuối nước
Cách xử lý khi bị đuối nước ban đầu rất quan trọng. Thực tế đã cho thấy khoảng 70% trẻ bị tai nạn đuối nước được cứu sống nếu cấp cứu cơ bản tốt ngay tại nơi bị nạn.
Người bị ngạt nước thường bị hôn mê, ngừng thở, ngừng tim, trong phổi thường có nước. Vì vậy, việc cấp cứu trẻ ngạt nước cần đảm bảo:
2 phương châm: Sơ cứu tại chỗ tích cực, đúng phương pháp và kiên trì cấp cứu trong nhiều giờ.
3 nguyên tắc: Làm thông thoáng đường thở, cung cấp càng nhiều oxy cho nạn nhân càng tốt, chống lại rối loạn tuần hoàn và hô hấp.
2. Các bước xử lý khi bị đuối nước
Bước 1: Khi phát hiện thấy trẻ bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi người đến giúp đỡ, ứng cứu. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu vì bản thân cũng có thể bị đuối nước.
Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay hoặc cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao cho bệnh nhân buộc dây hoặc dây cho nạn nhân bám vào và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn.
Bước 2: Cấp cứu nạn nhân ngay khi đưa lên bờ, không nên đưa trẻ đi quá xa và không nên “xốc nước”. Bởi làm như thế sẽ mất thời gian quý báu để hồi sức cho trẻ.
Nếu trẻ mất ý thức thì phải chú ý đến chấn thương cột sống cổ để cố định cổ thật tốt.
Bước 3: Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
Bước 4: Quan sát nạn nhân xem có thở được không bằng cách nhìn vào lồng ngực và nghe tiếng thở của nạn nhân. Bước này cần phải thực hiện nhanh chóng.
Nếu nạn nhân còn thở thì đặt họ nằm nghiêng để dịch và chất nôn thoát ra ngoài.
Nếu nạn nhân không thở được thì lập tức đặt nạn nhân nằm thẳng đầu ngửa bằng cách nâng cằm nạn nhân. Việc này sẽ giúp cho đường thở được thẳng, thông thoáng. Kiểm tra miệng họ xem có đờm dãi, dị vật thì lấy bỏ.
Tiến hành hà hơi thổi ngạt. Nếu bệnh nhân có mạch nhỏ hoặc bắt được thì tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.
Nếu có 1 người cấp cứu thì 30 lần ép tim đến 2 lần thổi ngạt. Nếu có 2 người cấp cứu thì 15 lần ép tim đến 2 lần thổi ngạt.
Bước 5: Cởi quần áo ướt, lau khô và ủ ấm cho nạn nhân.
Bước 6: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Cách xử lý khi bị đuối nước thông qua 6 bước này sẽ giúp nạn nhân giảm thiểu những biến chứng để lại về sau.
Bác sĩ Mai Ánh Điệp
Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội