Trong những tháng đầu năm 2017, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 50 trẻ mắc bệnh ho gà có biến chứng nặng, trong đó có 4 ca tử vong. Nhiều trẻ nhỏ vào viện trong tình trạng suy hô hấp do ho gà, thậm chí có trẻ phải hỗ trợ thở máy.
Được biết, ho gà (tiếng Anh: Whooping cough) là một trong những bệnh rất hay lây, làm chết nhiều người nhất trong số các loại bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Mỗi năm có khoảng 30 - 50 triệu bệnh nhân ho gà và 300 ngàn tử vong (theo thống kê của WHO). Đa số bệnh nhân tử vong thuộc nhóm trẻ dưới 1 tuổi và hơn 90% người mắc bệnh ở các nước đang phát triển.
Theo như bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh ho gà xuất hiện quanh năm, nhưng đáng lo ngại nhất là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi sức đề kháng của các bé còn kém và một số trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng ho gà.
Bệnh do bị nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây nên. Khi bệnh nhân bị nhiễm ho gà rất dễ truyền bệnh ra môi trường xung quanh.
Những năm gần đây, ho gà xuất hiện trở lại và có xu hướng tăng lên bởi miễn dịch sau tiêm phòng ho gà sẽ giảm dần xuống khi trẻ lớn lên. Thời gian các bé miễn dịch sau khi tiêm chủng ho gà chỉ trong vòng trên hoặc dưới 12 năm.
Ho gà gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, vậy làm thế nào để các gia đình có thể nhận biết được ho gà với ho thường ở trẻ nhỏ và có những biện pháp để chủ động phòng tránh cho trẻ?
1. Cách nhận biết ho gà:
Để phân biệt ho gà và các bệnh ho thường khác, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết, điều đầu tiên là phải dựa vào đặc điểm của cơn ho.
“Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, khi xuất hiện ho gà, trẻ sẽ ho một tràng dài, sau đó hít một hơi tiếp tục lại ho một tràng như vậy. Thậm chí, sau cơn ho thì nôn ọe, có nước dãi chảy ra, đôi khi còn có xuất huyết ở củng mạc mắt. Đó là biểu hiện bệnh đối với những trẻ có đủ sức khỏe.
Tuy nhiên ở những trẻ sơ sinh, khi sức khỏe còn yếu, cơn ho không giống người lớn như có thể biểu hiện cơn ho bằng những cơn ngừng thở, cả người trẻ sẽ tím tái do thiếu oxy nặng.
Các đợt ho ở trẻ sẽ liên tiếp, thậm chí kéo dài vài phút đến nửa tiếng. Các biến chứng nguy hiểm có thể là viêm não và viêm phổi. Ngoài ra, trẻ có thể bị xuất huyết võng mạc và suy hô hấp hay một số biến chứng như rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác, lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng. Trường hợp nặng có thể gặp vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi”, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
2. Cách phòng tránh bệnh ho gà
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cách tốt nhất để có thể dự phòng ho gà đó là sử dụng vắc-xin. Các gia đình phải cần đưa trẻ đến tiêm phòng đúng độ tuổi. Đồng thời, giúp trẻ có hệ miễn dịch từ sớm, các bà mẹ mang thai trên 20 tuần nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh trước khi trẻ chào đời.
Lịch tiêm phòng vắc xin phòng tránh bệnh ho gà như sau: Mũi thứ 1 khi trẻ 2 tháng tuổi và các mũi thứ 2, 3 cách mũi trước 1 tháng. Mũi thứ 4 là khi trẻ 18 tháng tuổi và nên nhắc lại mũi 5 lúc 17-18 tuổi.
Biện pháp thứ 2, các bậc phụ huynh cần phải tránh nguồn lây cho trẻ như hạn chế tiếp xúc nơi đông người – những nguồn bệnh có thể lây cho bé, hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ. Ngoài ra, khi trẻ có triệu chứng đường hô hấp hay có triệu chứng của cơn ho gà, các gia đình nên nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để chữa trị kịp thời.