Chiều 18/12, tiến sĩ - bác sĩ Trần Quốc Việt, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết cùng một ngày nhưng bệnh viện này tiếp nhận đến hai bệnh nhi đưa vào cấp cứu do nuốt đinh nhọn vào bụng.
Đó là bé trai 9 tháng tuổi ở tỉnh Bình Dương nuốt phải đinh thép nhọn và bé 15 tháng tuổi ở quận Gò Vấp, TP.HCM nuốt đinh ốc.
Ca nội soi gắp đinh cho 2 trẻ cùng một lúc ở Bệnh viện Nhi đồng 2.
Ngay khi 2 bệnh nhi nhập viện, ê-kíp trực đã nhanh chóng hội chẩn phối hợp nội khoa và ngoại khoa.
Nghi ngờ dị vật còn nằm ở đoạn trên của đường tiêu hóa của các bệnh nhi nên các bác sĩ nhanh chóng gắp ra trước khi đinh nhọn đi qua ruột non, gây thủng ruột, tắc ruột. Do vậy, toàn bộ ê-kíp đã khẩn trương tiến hành nội soi cấp cứu cho 2 bệnh nhi cùng lúc.
Khi nội soi, các bác sĩ phát hiện cả 2 trường hợp này thì cây đinh đều đã đi qua dạ dày nhưng đang tạm "dừng" ở ruột non. Dù có khó khăn nhưng cuối cùng 2 cây đinh cũng được nội soi gắp ra khỏi bụng của 2 bé.
Theo bác sĩ Trần Quốc Việt, trẻ em thường khám phá thế giới xung quanh bằng việc cho mọi thứ vào miệng khi bé cầm nắm. Do đó, tai nạn nuốt dị vật thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.
Hình ảnh 2 cây đinh sau khi được gắp ra ngoài bụng của 2 bệnh nhi.
Trong rất nhiều trường hợp, hệ tiêu hóa sẽ “giải quyết” vật lạ này bằng cách đẩy ra khỏi cơ thể theo đường đại tiện. Nhưng một số trường hợp, các dị vật này bị tắc lại trong đường tiêu hóa gây thủng ruột, tắc ruột (như trường hợp thủng ruột gây viêm phúc mạc nặng do các bé nuốt các viên bi nam châm đồ chơi).
Một số trường hợp đáng tiếc, vật lạ có thể mắc kẹt ở cổ hoặc thanh quản gây ra tắc đường thở cấp tính, thậm chí có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp.
Các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ, những người chăm sóc trẻ nên để những vật nhỏ dễ nuốt tránh xa tầm tay bé. Trẻ có thể nuốt vào bụng rất nhiều vật như: đồng xu, kim băng, viên pin nhỏ, cúc áo, hòn bi, hòn đá, móng tay, đinh vít, bulong, kẹp ghim, các cục nam châm nhỏ…