Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng - Chủ nhiệm khoa phụ sản Bệnh viện Quân y 354 (Hà Nội) cho biết, đây là trường hợp lớn tuổi nhất mang thai tự nhiên và sinh con tại bệnh viện này.
Bệnh nhân đã có hai người con trai và có hai cháu nội (11 tuổi và 7 tuổi). Từ tháng 4 năm ngoái, khi không thấy kinh nguyệt đến hàng tháng, người phụ nữ này tin rằng mình đã mãn kinh.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 11, bà thấy bất thường trong bụng, cảm giác có “động đậy”. Khi đi khám ở Bệnh viện 354, bà bất ngờ được bác sĩ Phương thông báo đã có thai ở tuần thứ 22.
“Lúc đó bệnh nhân rất hoang mang, lo lắng xen lẫn cảm giác xấu hổ vì mang thai khi tuổi đã cao, đã có cháu nội. Thai phụ có ý định bỏ thai, nhưng chúng tôi khảo sát siêu âm hình thái thai nhi cho kết quả bình thường. Phân tích, tư vấn cho chị cuối cùng gia đình quyết định giữ thai”, bác sĩ Phương chia sẻ.
Theo nữ bác sĩ, trong thai kỳ cho sản phụ, các bác sĩ tại khoa phải theo dõi sát sao các chỉ số của cả mẹ và thai nhi, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng cũng như các dị tật thai nhi. May mắn mọi thứ đều ổn định và sản phụ sinh con đúng theo dự kiến.
"Phụ nữ cao tuổi sinh con sẽ có chỉ định mổ đẻ, tuy nhiên trường hợp này gia đình mong muốn sinh thường, các bác sĩ theo dõi rất sát từ khi có cơn chuyển dạ và nhận thấy sản phụ có thể sinh thường được nên đã đồng ý.
Tất nhiên cùng với đó chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng phương án mổ đẻ nếu sản phụ không sinh thường được. Cuối cùng sản phụ đã sinh thường thành công một bé gái nặng 3,2kg. Đây cũng là sản phụ cao tuổi nhất sinh tại khoa, trước đó kỷ lục cao tuổi thuộc về một sản phụ sinh con ở tuổi 47", bác sĩ Phương thông tin.
Nguy cơ có thể gặp khi mang thai muộn
Theo bác sĩ Phương, việc mang thai và sinh con khi đã lớn tuổi có thể khiến sản phụ đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thai nhi nguy cơ xảy ra dị tật cao hơn so với khi mang thai lúc còn trẻ tuổi. Ngoài ra, sản phụ còn đối mặt với các bệnh lý như tiểu đường, thậm chí thai lưu.
Quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, nhất là khi xương đã bị lão hóa, khung xương chậu không còn sự "đóng mở" như thời còn trẻ nên gây khó khăn cho cuộc sinh.
"Bởi vậy, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh tuyệt đối không chủ quan, bởi giai đoạn này tuy chu kỳ kinh nguyệt thất thường nhưng hoàn toàn có khả năng thụ thai. Khi thấy mất kinh nguyệt, cần thử thai hoặc đi khám sản phụ khoa. Ngoài ra, vẫn nên thực hiện những biện pháp tránh thai hợp lý", bác sĩ Phương khuyến cáo.
Chia sẻ thêm về câu chuyện này, Ths.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, mang thai sau tuổi 35 có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và bé.
“Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như bệnh lý tim mạch. tăng huyết áp dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi, gây nhiều biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ”, nam bác sĩ cho hay.
Đáng lưu ý, người mẹ lớn tuổi mang thai khiến nguy cơ thai nhi nhỏ hơn so với tuổi thai, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân, nguy cơ đẻ non, thai nhi dị tật, sảy thai cao hơn so với người mẹ trẻ tuổi.
“Bản thân quá trình mang thai cũng sẽ làm cho các bệnh lý nền sẵn có của người mẹ như tăng huyết áp, tiểu đường, suy tim, suy thận nặng lên rất nhiều.
Cũng như người mẹ cao tuổi thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý trong thai kỳ tăng cao hơn như tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật đẻ non, hay sẩy thai. Như một vòng xoắn bệnh lý quá trình mang thai làm cho sức khỏe người mẹ kém đi và khi người mẹ không khỏe thì lại càng ảnh hưởng tới thai nhi”, bác sĩ Thành nói.