Trong tuần qua, hàng loạt các vụ án cướp đi tính mạng trẻ em liên tiếp xảy ra gây chấn động dư luận cả nước. Từ câu chuyện gã dân phòng cứa cổ bé trai 6 tuổi gây tử vong tại TP.HCM đến câu chuyện bà ngoại giết cháu rồi uống thuốc sâu tự tử tại tỉnh Tiền Giang. Nghiêm trọng nhất là vụ án bà nội sát hại cháu chỉ mới 20 ngày tuổi chỉ vì tin lời thầy bói khiến dư luận cả nước phẫn nộ.
Đêm qua (28/11), Công an thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã thông tin chính thức nghi can sát hại bé Lê Minh Anh, chính là bà Phạm Thị Xuân (65 tuổi, quê ở Thái Bình), bà nội cháu bé. Cháu Minh Anh là con gái của vợ chồng anh Lê Hữu Thuận (37 tuổi) và chị Phạm Thị Thanh Huyền (38 tuổi) trú tại đường Nguyễn Du, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn.
Quyền trẻ em luôn được pháp luật bảo hộ
Vụ án xôn xao dư luận vẫn đang là chủ đề nóng tiếp tục được mọi người quan tâm. Hiện tại, nghi phạm đã bị bắt giữ để cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục tiếp theo để khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vấn đề được dư luận quan tâm lúc này là với hành vi giết cháu ruột chỉ mới 20 ngày tuổi, nghi phạm Phạm Thị Xuân sẽ phải nhận bản án với tội danh cụ thể gì và khung hình phạt ra sao?
Tại Việt Nam, trẻ em là đối tượng đặc biệt được toàn xã hội quan tâm. Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Bên cạnh đó, dù là một nước đang phát triển nhưng Việt Nam đã ký và phê chuẩn gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em từ năm 1990. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ghi nhận Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em đều được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Nguy cơ đối diện với án tử hình
Nhìn nhận vụ án bà nội giết hại cháu bé 20 ngày tuổi, Luật sư Thơm cho biết: Trong tình huống này, vì tin lời thầy bói, nghi phạm Phạm Thị Xuân đã ra tay giết hại cháu ruột Lê Minh Anh khi cháu chỉ mới hơn 20 ngày tuổi, sau đó vứt ra bãi rác xa nhà, tránh bị phát hiện. Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, nghi phạm đã dựng nên màn kịch bị đôi nam nữ đi xe máy xông vào nhà dùng vũ lực bắt cóc cháu rồi đưa đi.
“Hành vi phạm tội của đối tượng rất xảo quyệt, vô đạo đức, đang tâm sát hại cháu nội mới hơn 20 ngày tuổi đã đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và những giá trị đạo đức xã hội. Hơn tất cả đó là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đã tước đi quyền được sống của một con người, một công dân nước CHXHCN Việt Nam, là tương lai của đất nước” – Luật sư Nguyễn Anh Thơm trả lời PV Kiến Thức.
Trên cơ sở đó, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết quan điểm đối với vụ án là nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội giết người quy định tại điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự hiện hành. Mức hình phạt cho hành vi phạm tội này là từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.