NSƯT Đức Trung
Ở tuổi ngoài 80, NSƯT Đức Trung vẫn khiến khán giả bất ngờ bởi sự nhanh nhẹn, linh hoạt của mình. Ông là gương mặt quen thuộc trong nhiều phim truyền hình như: Tội và tình, Kẻ tử tù tuổi 17, 12A và 4H, Vệt sáng ngược, Phóng viên thử việc...
NSƯT Đức Trung nguyên là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, được xem là một trong những gương mặt gạo cội của Nhà hát thời kỳ đầu. Ông chuyển công tác về Nhà hát từ năm 1979, trước đó ông gia nhập đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị.
Trên sân khấu cũng như trong các bộ phim, NSƯT Đức Trung thường đóng đinh với các vai chính diện, trong đó phải kể đến những lần hóa thân thành Bác Hồ trên sân khấu và cả trên màn ảnh.
Gần đây nhất, khán giả dành nhiều tình cảm khi ông tham gia diễn xuất trong bộ phim truyền hình Hướng dương ngược nắng với vai ông Phan - Chủ tịch tập đoàn Cao Dược.
Vai diễn này thuộc tuyến phụ nhưng diễn xuất của nghệ sĩ gạo cội đã đẩy nhân vật lên một tầm cao, nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.
Giữa ông và các diễn viên trong phim như NSND Thu Hà, NSND Mạnh Cường, Hồng Diễm, Hồng Đăng, Việt Anh, Đình Tú, Lương Thu Trang, Quỳnh Kool… được đánh giá có sự tương tác tốt, không bị rào cản bởi khoảng cách thế hệ.
Ngoài công việc diễn xuất, NSƯT Đức Trung còn dành nhiều thời gian cho việc dàn dựng kịch và công tác giảng dạy. Những học viên tham gia lớp đào tạo diễn xuất của ông tại Hãng Phim truyện Việt Nam đều ngưỡng mộ cách nói chuyện gần gũi, hóm hỉnh của ông.
NSƯT Đức Trung có 3 người con gồm 2 gái và 1 trai. Diễn viên Lê Tuấn Anh (từng làm việc ở Nhà hát Tuổi Trẻ) là người con duy nhất theo nghề của ông.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, diễn viên Lê Tuấn Anh cho biết, khi về hưu, bố của anh có cuộc sống bình yên bên gia đình, ông có 5 cháu nội, cháu ngoại. Hằng ngày, ông vẫn theo dõi các bộ phim và bàn luận với các con.
"Bố tôi là người hiền lành. Ông là nghệ sĩ mà lại... không giống nghệ sĩ, lúc nào cũng nghiêm nghị. Các vai diễn ở sân khấu và truyền hình như "bê" chính con người của ông từ ngoài đời lên phim.
Với các con, ông rất thoải mái chứ không khó tính. Tôi ảnh hưởng từ bố mình khá nhiều. Năm 2000, khi ông nghỉ hưu, tôi mới về Nhà hát Tuổi Trẻ làm việc nên sau này hai bố con cũng có nhiều điểm chung", diễn viên Tuấn Anh chia sẻ.
NSƯT Trần Lực
Đạo diễn, NSƯT Trần Lực (SN 1963 tại Hà Nội) là con trai của "ông trùm chèo" - NSND Trần Bảng và NSƯT chèo Trần Thị Xuân. Ông nội của anh là nhà văn Trần Tiêu (em trai của nhà văn Khái Hưng).
Nam nghệ sĩ nổi tiếng cùng thời với các người đẹp không tuổi như: NSND Thu Hà, NSND Lê Khanh, NSƯT Chiều Xuân...
Cùng với Trọng Trinh, NSƯT Trần Lực sở hữu vẻ đẹp lịch lãm, từng là nam thần màn ảnh một thời. Sau này, Trần Lực chuyển nghề đạo diễn và ghi dấu ấn qua các phim: Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Đời chè, Cocktail cho tình yêu…
Gần đây, anh trở lại diễn xuất, vào vai Trịnh Công Sơn tuổi trung niên trong Em và Trịnh. Trần Lực được cho là có gương mặt giống nhạc sĩ "Diễm xưa" nhất.
Khá thuận lợi trên con đường nghệ thuật nhưng Trần Lực có đời tư lận đận. Anh từng kết hôn 3 lần, có 4 người con và 1 cháu nội.
Năm 20 tuổi, khi đang học tập tại Bulgaria, anh gặp người vợ đầu tiên khi cô theo học piano. Cả hai đem lòng cảm mến, yêu thương nhau và có một cậu con trai tên Trần Hoàng.
Sau đó, hai người chia tay, cho đến tận sau này, Trần Lực cũng không hề nhắc đến danh tính của vợ cũ cũng như nguyên nhân khiến hai người "đường ai nấy đi" chỉ biết rằng giờ đây, cô đã trở thành một nghệ sĩ piano nổi tiếng.
Người vợ thứ hai của Trần Lực là một biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam, xuất thân từ gia đình danh giá. Cặp trai tài gái sắc được xem là môn đăng hộ đối, thế nhưng cuộc hôn nhân ấy cũng không đi được trọn đời. Họ chia tay sau 3 năm chung sống.
Năm 40 tuổi, Trần Lực gặp và cưới Mỹ Trang, người gắn bó với anh cho đến hiện tại. Mỹ Trang quê gốc miền Nam, sau khi kết hôn cùng Trần Lực mới ra Hà Nội sinh sống và làm việc.
Hai người có với nhau 3 người con, Trần Lực trở thành ông bố nổi tiếng trên Facebook với rất nhiều câu chuyện hài hước về các con và cháu nội ở nhà.
NSƯT Quốc Khánh
NSƯT Quốc Khánh sinh năm 1962 ở Hà Nội. Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 2 chị em. Học hết lớp 10, anh thi vào khóa đào tạo diễn viên năm đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam từ 1978 đến 1982.
Cùng khóa với Quốc Khánh thời điểm đó có NSND Trung Anh, NSND Lan Hương, NSƯT Đỗ Kỷ, Quế Hằng…
Ngay trong năm tốt nghiệp, Quốc Khánh đã tham gia đóng 2 vai trong 2 vở kịch là Người đá lạc đội hình (đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và vở Cuộc chia tay tháng 6 (đạo diễn Trọng Khôi). Đến năm 1982, anh bắt đầu tham gia nghệ thuật ở cả hai lĩnh vực là sân khấu và điện ảnh.
Tháng 11/2022, NSƯT Quốc Khánh nghỉ hưu sau 44 năm công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Với anh, quãng thời gian làm nghề luôn là ký ức đẹp, sau khi nghỉ hưu, Quốc Khánh vẫn tham gia chương trình Táo quân do VTV sản xuất.
Thành công trong sự nghiệp nhưng đời tư của Quốc Khánh cũng khá lận đận. Anh độc thân đến khi về hưu, tuy nhiên, nam nghệ sĩ không bận lòng về điều này. Anh cho biết cảm thấy hài lòng với cuộc sống của chính mình.
"Mỗi người một suy nghĩ, tôi không phải chạy theo ai cả. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình vui, thoải mái là được, không phải làm vừa lòng ai.
Mẹ tôi khi còn sống cũng lo lắm, muốn tôi lấy vợ, có con nhưng sau tôi bảo: "Con sống thế này rất vui rồi, con có thời gian chăm mẹ là được. Nếu con lấy vợ, con đi ở chỗ khác, nếu vợ con nói nặng với mẹ, thì mẹ có chịu được không?".
Nói thế, mẹ tôi "sợ" ngay, không giục gì nữa. Những năm cuối đời, mẹ không nhắc tôi lấy vợ nữa", anh tâm sự.
Nam nghệ sĩ cho biết, sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của anh không có gì xáo trộn. Anh là người ít nói, trầm lắng nên khi không làm việc ở Nhà hát nữa, anh cũng không chông chênh như nhiều người tưởng.
"Mọi người cảm giác vậy thôi chứ cuộc sống của tôi vẫn thế. Thời gian đầu, tôi cũng có thấy thay đổi một chút nhưng lại cân bằng được luôn", anh tâm sự.