Biến chứng nguy hiểm khi bị tiểu đường thai kỳ
Theo các chuyên gia sản khoa, bà bầu bị tiểu đường thai kỳ uống sữa bầu thông dụng hay loại sữa dành riêng cho bà bầu cần được bác sĩ chỉ định theo tình trạng của mỗi người. Bà bầu bị bệnh lý này cần có chế độ ăn uống riêng để tránh bị tăng đường huyết.
Nếu dùng “bừa” sữa bầu cũng như không có chế độ ăn uống kiểm soát tốt, người mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể đối diện với những mối họa không ngờ.
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, ThS. Lê Duy Toàn, Phó trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh tiểu đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và thường xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28.
ThS. Lê Duy Toàn, Phó trưởng khoa Đẻ A2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: BSCC
Tiểu đường thai kỳ nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Các biến chứng thai kỳ thường gặp như tiền sản giật, sản giật cao gấp 4 lần so với người bình thường, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh…
“Đối với thai nhi, đường trong máu của mẹ sẽ truyền sang bé làm tuyến tụy của bé hoạt động nhiều hơn bình thường để sản xuất thêm insulin. Điều này dẫn đến phần thân trên của bé phát triển nhanh trong thai kỳ. Một số trường hợp có thể gây gãy xương trẻ sơ sinh do vai rộng hoặc tổn thương não trong quá trình sinh nở”, ThS. Lê Duy Toàn cảnh báo.
Ngoài ra, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh, gây tình trạng co giật dẫn đến hôn mê, tổn thương não. Bên cạnh đó, tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến nguy sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối… gây nguy hiểm cho mẹ và em bé.
Kiểm soát đường huyết bằng cách nào?
Theo ThS. Lê Duy Toàn, kiểm soát đường huyết sẽ giúp mẹ bầu và thai nhi được an toàn trong suốt cả thai kỳ. Trong đó có việc kiểm soát sữa dành cho mẹ bầu.
Nếu không kiểm soát chế độ ăn uống khi bị tiểu đường thai kỳ, cả người mẹ và thai nhi sẽ có thể đối mặt với nhiều biến chứng. Ảnh minh họa.
“Mẹ bầu cần kiểm tra thai kỳ thường xuyên để biết được mức độ đường trong máu cao hay thấp. Uống sữa bầu thông dụng hay loại sữa dành riêng cho bà bầu sẽ được bác sĩ chỉ định theo tình trạng của mỗi người. Sữa cho mẹ bầu bị tiểu đường là các loại sữa không làm tăng đường huyết quá mức, thường là sữa không đường và có hàm lượng carbohydrat trong sữa thấp”, ThS. Lê Duy Toàn nói.
Mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để duy trì lượng đường huyết hấp thụ vào cơ thể, tuyệt đối không nhịn ăn sáng.
ThS. Lê Duy Toàn tư vấn mẹ bầu có thể bắt đầu ngày mới với ngũ cốc nguyên hạt, một quả trứng luộc và một hộp sữa chua. Ăn ít tinh bột, đường bởi nhóm thức ăn này có chứa nhiều carbonhydrat sẽ làm đường máu tăng nhanh.
Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều carbonhydrat đơn có trong thức ăn như bánh mì, bánh ngọt, cơm trắng, xôi, nước ngọt, kẹo...
Sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu hướng dương, các loại hạt. Tránh ăn loại có chứa nhiều chất béo bão hòa như: xúc xích, thịt xông khói.
Những thực phẩm mẹ bầu bị tiểu đường có thể ăn thoải mái đó là các loại rau củ không tinh bột như rau diếp, rau cải, cần tây, súp lơ xanh, cà rốt...
Ngoài ra, mẹ bầu có thể ăn thực phẩm giàu protein như thịt lợn, gà, bò, trứng, đậu và các sản phẩm được chế biến từ sữa.
Ăn thực phẩm có nhiều chất xơ: như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau xanh, đậu bắp...Uống từ 6-8 ly nước mỗi ngày để cơ thể luôn được cung cấp đủ nước.
“Kiểm tra thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai là cách tốt nhất để mẹ bầu kiểm soát tiểu đường thai kỳ. Khi được phát hiện tiểu đường thai kỳ, người mẹ cần được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, theo dõi và xử lý kịp thời các biến chứng”, ThS. Lê Duy Toàn tư vấn.